In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2020.

24/06/2020 18:42
Tạm dừng quy hoạch Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.

Xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa và ý kiến của các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tổ chức việc lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 202-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng Luật Quy hoạch năm 2017; Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật về quy hoạch; đồng thời tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.

Gia hạn thời gian thực hiện Dự án khẩn cấp ở Kỳ Sơn, Nghệ An 

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung hạng mục và gia hạn thời gian thực hiện Dự án khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đất tại khu vực khối 4 thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (Dự án).

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh, bổ sung hạng mục và gia hạn thời gian thực hiện Dự án theo đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

UBND tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan, trong đó, tổng mức đầu tư nguồn ngân sách trung ương không vượt phần ngân sách trung ương theo Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 20/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi quyết định đầu tư điều chỉnh đến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát, tổng hợp theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện, quản lý dự  án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu; chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu liên quan đến Dự án và hiệu quả đầu tư Dự án; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện Dự án.

Thành phố Hà Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định công nhận thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

UBND tỉnh Hà Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thành phố Hà Giang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Giang, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, đặc biệt là về thu nhập.

Thành phố Hà Giang đã chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh - dịch vụ tổng hợp. Đặc biệt ở khu vực nông thôn đã triển khai phát triển, nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi theo quy mô gia trại, bán trang trại; mô hình chăn nuôi vịt bầu cổ ngắn thương phẩm tại thôn Tân Tiến, xã Phương Độ với 20 hộ dân tham gia, quy mô 2.000 con/lứa, doanh thu 440 triệu đồng; mô hình nuôi lợn, gà thương phẩm tại thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường quy mô 250 con lợn thịt và 2.500 con gà/lứa với tổng doanh thu trên 1,6 tỷ đồng/năm.

Cùng với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế tổng hợp, thành phố Hà Giang đã chỉ đạo tập trung phát triển, củng cố các hợp tác xã (HTX) điển hình như HTX sản xuất và phân phối bánh chưng gù bà Dung, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, với 40 thành viên tham gia, doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 412 triệu đồng/năm và đã giải quyết việc làm cho 50-70 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân của các thành viên đạt 4,25 triệu đồng/người/tháng; HTX chế biến chè Hòa An, thuộc tổ 9, xã Phương Độ, lĩnh vực hoạt động là sản xuất chế biến chè đen và chè vàng với 8 thành viên tham gia, sản lượng đạt 50 tấn/năm và đã giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập đạt 5-7 triệu đồng/người/tháng...

Mức thu nhập bình quân đầu người của thành phố Hà Giang hết năm 2019 đạt 52,68 triệu đồng/năm; riêng đối với thu nhập bình quân theo đầu người của người dân 3 xã Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ đạt 35,89 triệu đồng/năm (mức chuẩn quy định 33 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo không thuộc bảo trợ xã hội năm 2019 của 3 xã trên thấp hơn mức quy định (12%)...

Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, sắp xếp, bố trí hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian, định hướng không gian đáp ứng các nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

Nội dung Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị  định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện Quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Bạc Liêu căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật./.