In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/7/2020.

02/07/2020 06:30
Thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai làm Chủ tịch Hội đồng.

Thành viên Hội đồng gồm đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; đại diện các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia: Công an, Quốc phòng, Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước), Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định lựa chọn mời chuyên gia về quy hoạch tham gia Hội đồng.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước-Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Hội đồng.

Hội đồng có nhiệm vụ xem xét, thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, làm cơ sở để Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tách đoạn tuyến thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh, tách đoạn tuyến từ nút giao Vũng Vằn tới nút giao đường ven biển thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu thành đường địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tài triển khai các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chịu trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư đoạn tuyến nêu trên, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Xây dựng Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo phê duyệt, phạm vi quy hoạch tỉnh Đắk Lắk gồm phần lãnh thổ tỉnh với tổng diện tích tự nhiên là 13.030,5 km2. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa; phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông; phía Tây giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 73km.

TP. Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây Nguyên

Mục tiêu quy hoạch tỉnh Đắk Lắk là cơ sở để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm mục tiêu xây dựng các điều kiện và giải pháp thực hiện các khâu đột phá phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và khu vực tam giác phát triển Lào-Việt Nam-Campuchia thông qua các hình thức liên kết phát triển ngành.

Phát triển đô thị hiện đại, có hệ thống thiết chế tương xứng với trình độ phát triển kinh tế-xã hội; phát triển văn hóa, xã hội theo hướng bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị bản sắc, truyền thống và lịch sử, nhất là văn hóa, không gian cồng chiêng Tây Nguyên trong điều kiện phát triển đô thị hiện đại, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế-xã hội.

Là căn cứ để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư, đẩy nhanh các khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn.

Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý để thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk là trung tâm vùng Tây Nguyên và tam giác Lào-Việt Nam-Campuchia.

Yêu cầu lập Quy hoạch

Theo đó, nội dung lập Quy hoạch phải bảo đảm các yêu cầu: Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử-văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm khai thác tối đa các lợi ích, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Công ước của Việt Nam; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác ủy thác tư pháp trong thu thập chứng cứ của Việt Nam, qua đó hỗ trợ giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự theo chuẩn mực quốc tế.

Theo Kế hoạch, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Công ước; thực hiện hiệu quả Công ước; hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi Công ước.

Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch trên theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên.

Bộ Tư pháp định kỳ hàng năm đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch lồng ghép trong Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp của Chính phủ trình Quốc hội.

Khung chính sách hỗ trợ tái định cư dự án xây đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thành phần 1A của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục rà soát số liệu bảo đảm chính xác; chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đoạn tuyến đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh từ Tân Vạn đến Nhơn Trạch đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch giai đoạn 1 có tổng chiều dài là 34,28 km.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bến Tr

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 916/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch phần lãnh thổ tỉnh Bến Tre với tổng diện tích tự nhiên là 2.394,75 km2.

Nội dung chính của Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm yêu cầu theo quy định Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, bao gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Bến Tre; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn tỉnh Bến Tre; đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước.

Bên cạnh đó, xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh: Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển tỉnh; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; xây dựng và lựa chọn các phương án: Phương án tổ chức hoạt động kinh tế xã hội; phương án quy hoạch và phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, các khu vực và khu chức năng; phương án tổ chức lãnh thổ và phân bố bố dân cư (thực hiện theo đúng quy định tại điểm d, khoản 2, điều 27, Luật Quy hoạch năm 2017); phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện;...

Nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế, xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế.

Bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội, chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử-văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Các nội dung đề xuất nghiên cứu để đưa vào Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn; xuất phát từ nhu cầu phát triển và yêu cầu quản lý Nhà nước của tỉnh. Tập trung nghiên cứu các phương hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội, các vùng đặc trưng, các ngành, lĩnh vực có thế mạnh và đặc thù của Bến Tre.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật./.