In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 2/7/2020.

03/07/2020 08:00
Quy định xuất, nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam

Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định này quy định về việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế (KKT) cửa khẩu, KKT ven biển được miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam; việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam; hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Cấp thị thực cho người nước ngoài vào KKT cửa khẩu

Về cấp thị thực cho người nước ngoài vào KKT cửa khẩu hoặc KKT ven biển đến các địa điểm khác của Việt Nam, Nghị định quy định rõ, người nước ngoài nhập cảnh vào KKT cửa khẩu, KKT ven biển theo diện miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh làm thủ tục đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh theo quy định tại Điều 19 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực nhập cảnh vào KKT cửa khẩu, KKT ven biển theo diện miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì thực hiện như sau: a- Trường hợp đã tạm trú chưa đến 15 ngày thì đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh đóng dấu hết giá trị vào chứng nhận tạm trú cũ và cấp chứng nhận tạm trú mới với thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh; b-Trường hợp đã tạm trú từ 15 ngày trở lên thì thực hiện thủ tục cấp thị thực theo quy định.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào KKT cửa khẩu, KKT ven biển được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nếu hết thời hạn tạm trú và có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì việc cấp thị thực thực hiện theo điều ước quốc tế.

Nghị định cũng quy định rõ hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc thị thực rời. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh không cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Sửa đổi quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương Viettel

Chính phủ ban hành Nghị định 74/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24/8/2016 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông quân đội giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 7 quản lý tiền lương đối với tổng công ty, công ty do Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Cụ thể, người đại diện phần vốn của Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội căn cứ vào các nguyên tắc quy định để quyết định hoặc tham gia với Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông quyết định: giao ổn định đơn giá tiền lương; tiền lương của người quản lý doanh nghiệp được tính trong đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương thực hiện của công ty; xác định quỹ tiền lương thực hiện hằng năm gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tổng công ty, công ty giai đoạn 2016-2020.

Trong giai đoạn 2016-2020, khi thực hiện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà các tổng công ty, công ty do Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải tiếp nhận nhiệm vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mới từ Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội thì người đại diện phần vốn của Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội quyết định hoặc tham gia với Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông quyết định về việc xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới này như sau:

- Trong thời gian từ khi tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới đến hết năm tài chính liền kề năm tiếp nhận, quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương tối đa bằng mức tiền lương bình quân của người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đó tại Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội trong năm liền kề trước thời điểm chuyển giao trên cơ sở bảo đảm các điều kiện: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật và có lợi nhuận.

- Sau thời gian quy định nêu trên, quỹ tiền lương thực hiện hằng năm được xác định trên cơ sở số lao động bình quân thực hiện và mức tiền lương bình quân thực hiện tính theo chỉ tiêu năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện so với năm trước liền kề theo nguyên tắc quy định.

Đối với công ty do Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thành lập mới trong năm 2020 thì người đại diện phần vốn của Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội quyết định hoặc tham gia với Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông quyết định quỹ tiền lương thực hiện trên cơ sở số lao động bình quân thực hiện và mức tiền lương bình quân bảo đảm tương quan chung với mặt bằng tiền lương năm 2020 của người lao động tại công ty khác do Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và báo cáo Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội cho ý kiến trước khi thực hiện.

Nghị định cũng bổ sung khoản 5 vào Điều 6 quản lý tiền lương đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ-Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, trong năm 2020, khi thực hiện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ phải tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới từ Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội hoặc nhận sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác do Công ty mẹ-Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ thì trong thời gian từ khi tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới hoặc nhận sáp nhập đến hết năm 2020, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới tiếp nhận hoặc nhận sáp nhập này được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương tối đa bằng mức tiền lương bình quân của người lao động đã thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đó tại công ty chuyển giao hoặc công ty bị sáp nhập trong năm liền kề trước thời điểm chuyển giao hoặc bị sáp nhập trên cơ sở bảo đảm các điều kiện: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật và có lợi nhuận.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020./.