In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

07/07/2020 06:09
Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016-2021.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tây Ninh.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Thanh Ngọc, để nhận nhiệm vụ mới.

Thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19

Trang tin điện tử CafeF ngày 25/6/2020 có bài viết “Du lịch giá rẻ có kích cầu được du lịch nội địa?”, trong đó thông tin: Một số ý kiến cho rằng du lịch giá rẻ để kích cầu du lịch nội địa sau dịch COVID-19 phản tác dụng, mất niềm tin của khách hàng do chất lượng dịch vụ yếu kém. Cần kiểm soát chất lượng để bảo đảm quyền lợi của du khách; đồng thời, giảm giá vé tại các khu du lịch, điểm tham quan. 

Ngày 25/6/2020, Thời báo Kinh tế Sài Gòn điện tử có bài viết “Đỉnh điểm khủng hoảng du lịch sắp đến, công ty lớn cũng khó trụ”, trong đó thông tin: Theo nhiều doanh nghiệp du lịch, lượng khách du lịch giảm hơn 50% trong 5 tháng qua nhưng tác động của COVID-19 vẫn chưa dừng lại, đỉnh điểm khủng hoảng của ngành du lịch sẽ đến trong vài tháng tới, ngay cả những công ty lớn cũng khó trụ lại. Doanh nghiệp du lịch không chỉ đối mặt với năm 2020 đầy khó khăn mà còn cả tương lai bất định trong những năm tới.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá các kịch bản phục hồi tăng trưởng du lịch giai đoạn hậu COVID-19, chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19; đồng thời tăng cường công tác quản lý để bảo đảm chất lượng dịch vụ; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng 209,22 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015, số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ; việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 69/2019/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công Dự án nút giao thông Ngã ba Huế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020 từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND thành phố Đà Nẵng cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, điều chỉnh giảm số tiền 1.651.664 triệu đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải; đồng thời, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020 cho UBND thành phố Đà Nẵng số tiền 1.651.664 triệu đồng để thanh toán cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Đà Nẵng kế thừa các quyết định phê duyệt Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng của Bộ Giao thông vận tải để làm cơ sở thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng trong việc thực hiện thanh toán vốn cho nhà đầu tư theo quy định.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 952/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch là phần lãnh thổ tỉnh Hậu Giang với tổng diện tích tự nhiên là 1.621,71 km2, gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và các huyện: Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành và Châu Thành A.

Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo xu hướng, bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tác động đến phát triển của Tỉnh và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác các địa phương trong cả nước, trước hết là kết nối giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối hạ tầng liên vùng, cùng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cân đối thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Đáp ứng cao nhất nhu cầu giao thương, hợp tác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế; yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng; yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất.

Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Bên cạnh đó, xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

Nội dung Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện Quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển, phương án quy hoạch, phương hướng phát triển các ngành quan trọng và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Hậu Giang căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật./.