Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) giai đoạn 2020 - 2022.
Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo các giai đoạn khi xuất khẩu sang lãnh thổ theo quy định tại Hiệp định EVFTA, bao gồm: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len đối với từng mã hàng.
Nghị định nêu rõ điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định EVFTA. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo quy định phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Được nhập khẩu vào các lãnh thổ theo quy định tại Hiệp định EVFTA, bao gồm: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len.
b) Có chứng từ vận tải (bản sao) thể hiện đích đến là các lãnh thổ theo quy định tại (a) nêu trên.
c) Có tờ khai hải quan nhập khẩu của lô hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào các lãnh thổ quy định tại (a) nêu trên (bản sao và bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong trường hợp ngôn ngữ sử dụng trên tờ khai không phải là tiếng Anh).
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các giai đoạn được nhập khẩu từ lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len; Công quốc An-đô-ra; Cộng hòa San Ma-ri-nô và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước) đối với từng mã hàng.
Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định EVFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1- Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
2- Được nhập khẩu vào Việt Nam từ: Lãnh thổ thành viên Liên minh châu Âu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len; Công quốc An-đô-ra; Cộng hòa San Ma-ri-nô; và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước).
3- Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định EVFTA.
Thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 113/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Điểm đ Khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng.
Theo đó, thẩm quyền, nội dung, quy trình thẩm định hoặc thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (sau đây gọi tắt là thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở) và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 3 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 được quy định như sau:
(1) Thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Khoản 9, 10 và 11 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
(2) Hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng bao gồm:
- Hồ sơ theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
- Giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 quy định về các loại giấy tờ hợp pháp đất đai để cấp giấy phép xây dựng.
- Văn bản theo yêu cầu tại Điểm b Khoản 3, Điểm b Khoản 5, Điểm b Khoản 6 Điều 95; Khoản 4 Điều 96 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (nếu có).
(3) Cơ quan chuyên môn về xây dựng có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại (1) (cơ quan thẩm định) có trách nhiệm chủ trì thẩm định các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định 59/2015/NĐ-CP; gửi văn bản xin ý kiến phối hợp đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 113/2020/NĐ-CP (cơ quan cấp phép xây dựng) về nội dung đánh giá việc đáp ứng các điều kiện cấp phép xây dựng của công trình xây dựng theo quy định tại các Điều 91, 92 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại Luật Kiến trúc số 40/2019/QH13 và kiểm tra thực địa theo quy định khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; tổng hợp kết quả thẩm định và ý kiến xác nhận của cơ quan cấp phép xây dựng để kết luận về điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và miễn giấy phép xây dựng cho công trình.
(4) Thời gian thẩm định và rà soát điều kiện cấp phép là thời gian thẩm định theo quy định tại Khoản 8 Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP và thời gian thực hiện song song việc có ý kiến phối hợp của cơ quan cấp phép, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại (2), cụ thể như sau:
- Không quá 45 ngày đối với công trình xây dựng cấp I, cấp đặc biệt.
- Không quá 35 ngày đối với công trình cấp II và cấp III.
- Không quá 25 ngày đối với các công trình còn lại.
Nghị định cũng quy định quy trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP, khoản 12 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP và bổ sung một số nội dung.
Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1433/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Lê Minh Hoan sinh ngày 19/01/1961; quê quán: Xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Ông Lê Minh Hoan đã từng đảm nhận các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Thành ủy thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015- 2020; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV tỉnh Đồng Tháp./.
Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 27/2020/QĐ-TTg quy định về danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan gồm: 1- Thuốc lá điếu có chứa lá thuốc lá có nhãn hiệu 555, Esse không có xuất xứ Việt Nam (mã hàng 24.02.20); 2- Rượu whisky có dung tích trên 50 ml không có xuất xứ Việt Nam (mã 22.08.30.00).
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020. Đối với các lô hàng đã được đưa vào kho ngoại quan trước ngày trên thì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về thời hạn gửi kho ngoại quan. Sau khi hết thời hạn lưu giữ tại kho ngoại quan theo quy định tại Điều 61 Luật Hải quan mà không thực xuất được thì buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập ban đầu.
Căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành theo dõi, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định này.