SV sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt
Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 15/11/2020, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.
Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được phép đào tạo giáo viên (cơ sở đào tạo giáo viên) thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Theo quy định, đối tượng áp dụng là sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi (sinh viên sư phạm).
Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ
Sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.
Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành.
Bồi hoàn kinh phí hỗ trợ
Nghị định cũng quy định rõ đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm: 1- Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; 2- Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định; 3- Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
Đối tượng không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:
Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng.
Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đang công tác trong ngành giáo dục, nhưng chưa đủ thời gian theo quy định và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều động bố trí công tác ngoài ngành giáo dục.
Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp tiếp tục được cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cử đi đào tạo giáo viên trình độ cao hơn và tiếp tục công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, sinh viên sư phạm nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học.
Sinh viên sư phạm dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ nhưng thời gian hưởng không vượt quá thời gian tối đa hoàn thành chương trình đào tạo.
Quy định cơ chế tài chính đặc thù của Đại học Việt Nhật
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành quyết định quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Việt Nhật.
Theo quy định, nguồn tài chính của Trường Đại học Việt Nhật gồm: Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp; các nguồn thu sự nghiệp; vốn tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; nguồn tài chính khác.
Trong kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp thì kinh phí hoạt động thường xuyên gồm: Ngân sách Nhà nước đảm bảo hỗ trợ 50% kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm trong giai đoạn 2021-2025 (không tính phần hỗ trợ của phía Nhật Bản). Mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước trong các năm tiếp theo sẽ được xem xét dựa trên sự cần thiết và đánh giá hiệu quả hoạt động của giai đoạn 2021-2025; cân đối chung với Trường Đại học Việt Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường Đại học Việt Pháp).
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo cho từng giai đoạn, thông qua Hội đồng Trường và trình Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính.
Đối với đào tạo theo đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, Trường tự đảm bảo chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí theo nguyên tắc thu học phí đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên và tiến tới có tích lũy.
Quyết định nêu rõ, Trường được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng nguồn tài chính. Trong đó, về nguồn sự nghiệp, Trường được tự chủ xây dựng và quy định các mức thu (học phí, lệ phí tuyển sinh) phù hợp với chất lượng đào tạo, dịch vụ. Căn cứ chi phí đào tạo tính toán dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường tổ chức xây dựng các mức thu, trình Hội đồng Trường thông qua và báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét, phê duyệt. Trường có trách nhiệm công khai mức thu học phí và lệ phí tuyển sinh theo quy định.
Đối với các khoản thu học phí, lệ phí tuyển sinh và thu sự nghiệp khác, Trường quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành. Trường được quyết định sử dụng các khoản thu này để chi cho các hoạt động của Trường trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
Về nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, Trường được quyết định các nội dung và mức chi (bao gồm cả chi trả học bổng khuyến khích học tập đối với người học, chi trả tiền lương, tiền công đối với cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của Trường) trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính của Trường đảm bảo đúng chế độ, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Trong đó, đối với tiền lương cho người lao động mang quốc tịch nước ngoài, trên cơ sở cam kết của Chính phủ Việt Nam, cam kết của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc cam kết của Trường với các đối tác trong và ngoài nước, Trường thực hiện chi trả theo hợp đồng ký kết với người lao động mang quốc tịch nước ngoài, căn cứ vào chất lượng, số lượng công việc và đảm bảo tính hài hòa, cân đối về khối lượng công việc với viên chức và người lao động Việt Nam tại Trường, phù hợp với mức sống, điều kiện làm việc ở môi trường Việt Nam. Hiệu trưởng Trường có trách nhiệm xác định tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn người lao động mang quốc tịch nước ngoài làm việc, giảng dạy tại Trường phù hợp với nhu cầu của Trường vào từng thời điểm; trực tiếp quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm về hiệu quả làm việc của các cán bộ, giảng viên người nước ngoài.
Người lao động mang quốc tịch nước ngoài làm việc tại Trường có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và được hưởng các ưu đãi, miễn trừ theo quy chế về chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đối với tiền lương, tiền công cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên người Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2025, căn cứ vào trình độ, năng lực chuyên môn, kết quả làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và khả năng cân đối nguồn tài chính của Trường, Trường thực hiện chi trả tiền lương, tiền công cho cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên người Việt Nam thêm một lần trên cơ sở tiền lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Khoản chi trả tiền lương này được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của Trường. Trường thông báo công khai, minh bạch việc chi trả tiền lương đối với cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của Trường (bao gồm cả người mang quốc tịch nước ngoài và người Việt Nam).
Thủ tướng Chính phủ giao Đại học Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện cơ chế tài chính của Trường; trường hợp cần thiết, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cơ chế tài chính của Trường đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Phê duyệt phạm vi khu vực 2 cửa khẩu thuộc tỉnh Bình Phước
Chính phủ ban hành Nghị quyết 135/NĐ-CP phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và phạm vi khu vực cửa khẩu chính Hoàng Diệu tỉnh Bình Phước.
Theo đó, Nghị quyết chỉ rõ phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thuộc địa giới hành chính xã Lộc Thạnh và xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; có diện tích 562,1ha.
Phạm vi khu vực cửa khẩu chính Hoàng Diệu thuộc địa giới hành chính xã Hưng Phước và xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước; có diện tích 263,8 ha.
Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước và các bộ, ngành liên quan tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn.
Vừa qua, trên Báo điện tử VnExpress có các bài “Doanh nghiệp cầu cứu vì vướng tiền sử dụng đất 5-7 năm”, “Nhiều hệ lụy vì hàng chục nghìn hộ dân bị treo sổ hồng”, “16 dự án được xóa treo sổ hồng” phản ánh tình trạng chậm chễ trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 09/9/2020, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 3461/UBND-ĐT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính về kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn; chủ động phối hợp với các bộ liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có các giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu Công văn số 3461/UBND-ĐT ngày 09/9/2020 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị nêu trong Công văn theo chức năng, thẩm quyền; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; phối hợp chặt chẽ và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác này tốt hơn, kịp thời hơn để tạo điều kiện cho người dân Thành phố.
Nghiên cứu, hỗ trợ phát triển lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ô tô
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ nhất là lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ngành ô tô.
Trước đó, báo điện tử VTV News ngày 21/9/2020 có đưa thông tin: Doanh nghiệp tại Việt Nam xuất khẩu linh phụ kiện ô tô trị giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm, song các doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn nhập lượng lớn linh kiện từ nước ngoài. Nghịch lý Việt Nam sản xuất được các thiết bị, khung sườn, hệ thống điện, săm lốp nhưng vẫn phải nhập khẩu.
Về thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ nhất là lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ngành ô tô.
17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030
Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và hưởng thụ bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thượng vượng, bao trùm. công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững.
Chính phủ ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững, trong đó nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam.
Mục tiêu 1. Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi
Mục tiêu 2. Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
Mục tiêu 3. Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi
Mục tiêu 4. Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người
Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái
Mục tiêu 6. Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người
Mục tiêu 7. Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người
Mục tiêu 8. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người
Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới
Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong xã hội
Mục tiêu 11. Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng
Mục tiêu 12. Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững
Mục tiêu 13. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai
Mục tiêu 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững
Mục tiêu 15. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất
Mục tiêu 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp
Mục tiêu 17. Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ và giải pháp chung, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định 122/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 và Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình nghị sự 2030, tập trung vào những nội dung như hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; tăng cường thông tin, truyền thông; phát huy vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; bố trí, huy động và tăng cường nguồn lực tài chính; tăng cường hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành. Trong giai đoạn 2020-2030, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính về việc tổ chức triển khai hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết để thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững được xác định trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Nghiên cứu bài “Nhiều nước đón khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch”
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế nghiên cứu bài viết “Nhiều nước đón khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch”; có giải pháp chỉ đạo phù hợp.
Ngày 22/9/2020, Báo Tuổi trẻ điện tử có bài viết “Nhiều nước đón khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch”.
Bài báo thông tin: Từ tháng 10 tới, một số nước áp dụng các chính sách chưa từng có tiền lệ để đón khách du lịch quốc tế nhằm cứu vãn ngành du lịch đang bị suy sụp vì dịch bệnh COVID-19. Thái Lan sẽ triển khai du lịch dài ngày cho khách quốc tế với thời gian ít nhất 90 ngày.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp chỉ đạo phù hợp.
Phê chuẩn 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các quyết định phê chuẩn kết quả bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Cụ thể, tại Quyết định số 1465/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Lương Trọng Quỳnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với bà Đoàn Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ mười chín, ngày 18/9/2020, HĐND tỉnh Lạng Sơn khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã bầu ông Lương Trọng Quỳnh và bà Đoàn Thu Hà giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự 3 cơ quan
Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định bổ nhiệm nhân sự 3 cơ quan: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Cụ thể, tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Đại tá Phạm Hải Trung, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ chức Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam, giữ chức Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Tại Quyết định số 1467/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm lại ông Nguyễn Văn Khách giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Thời gian bổ nhiệm lại tính từ ngày 21/9/2020.
Xử lý nghiêm hành vi ép buộc học sinh mua sách tham khảo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản quy định chặt chẽ việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo, xử lý nghiêm các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo.
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Thông báo kết luận nêu rõ, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) là khâu đột phá trong đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, đã được Chính phủ xác định lộ trình hoàn thành cơ bản vào năm 2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết đánh giá kết quả đổi mới thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Sớm công bố phương án thi năm học 2021 và định hướng những năm tới đây để học sinh, nhà trường chủ động trong dạy và học.
Về sách giáo khoa, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản quy định chặt chẽ việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo, xử lý nghiêm các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các khâu liên quan khuyến khích giữ gìn, sử dụng lại sách giáo khoa để tiết kiệm cho xã hội.
Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển học liệu điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối, tạo kênh phân phối để sách giáo khoa đến tận tay học sinh, nhằm đảm bảo không thiếu sách giáo khoa, tiết kiệm và chống sách lậu./.