Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phê duyệt Nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) ký tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải các nước ASEAN (ATM) lần thứ 25.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị định thư trên.
Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại theo quy định.
Quy định mới về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong đó quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ.
Cụ thể, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội.
Nghị định cũng quy định về việc nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ.
Theo đó, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút vào thời giờ làm việc, và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.
Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu không nghỉ 60 phút/ngày thì được hưởng thêm lương
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về việc nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
Khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.
Từ 1/2/2021, bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật
Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, Nghị định bỏ quy định cấm tổ chức, cá nhân biểu diễn sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.
1- Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2- Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
3- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
4- Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Như vậy, so với quy định trước đây tại Điều 6 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đã có nhiều sửa đổi, trong đó đã bỏ việc cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.
Điều kiện tổ chức biểu diễn nghệ thuật
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định để được tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật.
- Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
- Có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn quản lý, không thuộc trường hợp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận.
Dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật bằng văn bản đối với một trong các trường hợp quy định sau:
- Vi phạm quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn (quy định tại Điều 3 Nghị định này).
- Không thông báo hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.
- Vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật là cơ quan tiếp nhận thông báo hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận quy định tại Nghị định này. Văn bản yêu cầu dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật phải nêu rõ lý do, thời điểm dừng.
Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.
Phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh, thành phố
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các quyết định phê chuẩn nhân sự Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Điện Biên.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 – 2025 (Quyết định số 2089/QĐ-TTg) và phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với các ông: Ông Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa (Quyết định số 2088/QĐ-TTg) và ông Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa (Quyết định số 2090/QĐ-TTg).
Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Đình Xứng để nghỉ công tác chờ đến tuổi nghỉ hưu và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định (Quyết định số 2085/QĐ-TTg); đồng thời, phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Đức Quyền (Quyết định số 2086/QĐ-TTg) và ông Phạm Đăng Quyền (Quyết định số 2087/QĐ-TTg) để nghỉ hưu theo chế độ.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, lần lượt tại Quyết định số 2077/QĐ-TTg, 2079/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Thanh Liêm để nhận nhiệm vụ mới (Quyết định số 2075/QĐ-TTg) và ông Trần Vĩnh Tuyến (Quyết định số 2076/QĐ-TTg).
Đối với tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Phạm Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Điện Biên (Quyết định số 2081/QĐ-TTg).
Tại Quyết định số 2078/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Lê Văn Quý để nghỉ hưu trước tuổi và được hưởng các chế độ, chính sách theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ.
Thành lập 3 Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng giao thông
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Hội đồng thẩm định Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các Hội đồng thẩm định trên do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.
Thành viên Hội đồng gồm đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các ủy viên phản biện.
Cơ quan thường trực của 3 Hội đồng là Bộ Giao thông vận tải.
Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng, Cơ quan thường trực Hội đồng, các ủy viên phản biện thực hiện theo Điều 33, 34, 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
3 Hội đồng trên đều hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trình Chủ tịch nước tặng quà Tết Tân Sửu 2021 cho người có công
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước về việc tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Áp dụng công nghệ hiện đại trong phòng chống thiên tai
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ mới trong công tác dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai.
Vừa qua, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có phản ánh: Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cần đẩy mạnh trao đổi, thảo luận về giải pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quan trắc, cảnh báo; ứng dụng các giải pháp công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nhằm kiến tạo một xã hội an toàn trước thiên tai và phát triển bền vững.
Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp, hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (Đề án).
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án theo hướng sau:
Bổ sung vào Đề án cơ chế cụ thể về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo phương thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025 hoặc đến hết năm 2030 theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ. Trong thời gian này, tổ chức xác định những giá trị tài sản phù hợp như khu ga, một số tuyến đường sắt... để tiến hành giao theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Về bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 125/TB-VPCP ngày 25/3/2020 của Văn phòng Chính phủ. Nghiên cứu, lựa chọn một trong hai phương án: giao dự toán bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoặc cho Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, duy trì tốt an toàn chạy tàu.
Sau khi hoàn thiện Đề án, Bộ Giao thông vận tải gửi Đề án kèm theo dự thảo Quyết định phê duyệt đến Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có ý kiến pháp lý về dự thảo Quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2020.
Về xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (cũ) thu hồi từ các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trên cơ sở Đề án được phê duyệt, việc xử lý tài sản này thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Kéo dài thời gian quy hoạch bảo tồn di tích Cố đô Huế
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế cho đến khi Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Cố đô Huế giai đoạn 2021-2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có trách nhiệm tích hợp nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, hạng mục di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế vào các quy hoạch giai đoạn 2021-2030 đang được xây dựng nêu trên, bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ và phù hợp, làm cơ sở để lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư công bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích gia đoạn 2021-2025 theo đúng quy định của pháp luật./.