In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

04/05/2021 17:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì một cuộc họp của Thường trực Chính phủ. - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm nhân sự 2 cơ quan

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành các quyết định bổ nhiệm nhân sự Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định số 616/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm đồng chí Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu 2, giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại Quyết định số 637/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Hoàn thiện lại đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, Thường trực Chính phủ thống nhất cần hoàn thiện lại đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo tinh thần kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi, triển khai được và hướng đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Thông báo nêu rõ, Thường trực Chính phủ thống nhất về nguyên tắc, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật không tạo ra khoảng trống về pháp lý là cần thiết. Chính phủ cần quy định chặt chẽ để địa phương và doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Về dự thảo Nghị định quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện lại đối tượng đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo tinh thần kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi, triển khai được và hướng đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đối với các nội dung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Chính phủ hướng dẫn, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định chi tiết, bảo đảm thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2022.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thống nhất với Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem xét ban hành trong tháng 5 năm 2021 theo đúng trình tự, thủ tục; không được vì tiến độ mà làm sai thủ tục.

Trường hợp Nghị định quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ nên phải báo cáo lại rõ để các thành viên Chính phủ thống nhất việc ban hành nhằm không tạo ra khoảng trống pháp lý, đồng thời tiệm cận với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Phải có những đột phá mới để KH&CN trở thành sức mạnh, động lực thực sự

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về định hướng nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2025. Theo đó, để Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh và bền vững, không có cách nào khác là phải có những đột phá mới để khoa học và công nghệ trở thành sức mạnh, động lực thực sự.

Bộ Khoa học và Công nghệ phải chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc từ nhiều năm nay, trước mắt tập trung một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, cần dựa trên nghiên cứu xu thế khoa học và công nghệ của thế giới, tìm ra những vấn đề mới để kiến nghị. Trong đó, chú trọng một số công nghệ ưu tiên cần tập trung phát triển để chủ động tham gia Cuộc cách mạng 4.0 như công nghệ về sức khỏe, trí thông minh nhân tạo, vật liệu mới, tích trữ năng lượng... Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị chi tiết hơn, xác định rõ những công nghệ trọng điểm cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam.

Xác định, quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới, ngoài hai Viện Hàn lâm: Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Khoa học xã hội Việt Nam, hai Đại học Quốc gia: Hà Nội, TPHCM, các Viện nghiên cứu trực thuộc bộ, ngành..., cần đặc biệt lưu ý đến các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc doanh nghiệp. Từ đó, xác định nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu, nguồn lực Nhà nước sẽ tập trung đầu tư, mức độ đầu tư và cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên doanh nghiệp tham gia phát triển khoa học và công nghệ, củng cố hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ. Chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Tập trung rà soát toàn bộ, hệ thống các chương trình, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ ở các cấp để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực, thực sự trở thành sức mạnh. Bộ Khoa học và Công nghệ phải đi đầu, cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, nắm chắc được tất cả nguồn lực khoa học và công nghệ (con người, tài chính, tài sản vật chất, tài sản vô hình về sở hữu trí tuệ) của cả đất nước ở tất cả các chuyên ngành.

Đổi mới thực sự cơ chế quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học

Đổi mới thực sự cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Xây dựng cơ chế Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, để tháo gỡ vướng mắc quy trình, thủ tục liên quan đến các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng chấp nhận nguyên tắc rủi ro trong khoa học, tin các nhà khoa học thay vì quản lý theo hướng chống thất thoát. Công khai, minh bạch tất cả các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu để chính các nhà khoa học và cộng đồng giám sát (giám sát ngang hàng). Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý vốn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ theo tinh thần ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thống nhất, liên thông, minh bạch, công khai tất cả yêu cầu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

Có cách tiếp cận mới, toàn diện về sản phẩm quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, trong đó đặc biệt chú trọng tiêu chí là sản phẩm trí tuệ của Việt Nam, công nghệ của Việt Nam. Hình thành những đầu bài lớn, công nghệ lõi, dự án lớn về khoa học cơ bản, đặt hàng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và các đại học lớn để thực hiện các sản phẩm, công nghệ trọng điểm quốc gia.

Phối hợp với Bộ Tài chính, xây dựng cơ chế hạch toán tài chính đối với doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ, có cơ chế để các doanh nghiệp tăng cường lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, cũng như tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế về tín dụng, nguồn vốn, thuế, đất đai, hỗ trợ tiếp cận thị trường... nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up), để doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.

Có chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối định hướng nội dung hoạt động khoa học và công nghệ, quản lý điều hành các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế liên quan đến giảng viên tham gia hoạt động khoa học và công nghệ.

Nâng cao vai trò các sở khoa học và công nghệ tại địa phương, đưa được khoa học và công nghệ về đến địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ giải quyết các yêu cầu cụ thể tại địa phương. Tiếp tục đổi mới, xác định các ngành, lĩnh vực trọng điểm, có hướng dẫn cụ thể, nêu các yêu cầu, đề tài công khai để đội ngũ khoa học cả nước được tiếp cận. Bộ Khoa học và Công nghệ cần có hướng dẫn rất cụ thể, theo đó sở khoa học và công nghệ giúp tỉnh nêu yêu cầu, đầu bài, Bộ Khoa học và Công nghệ tập hợp thành các nhóm nhiệm vụ khoa học và công nghệ, công khai để đội ngũ khoa học đều được tiếp cận, thực hiện.

Làm rõ sự cần thiết thí điểm cơ chế đặc thù giải phóng mặt bằng tại TP. Hà Nội

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến về việc áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ý kiến của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính để tiếp tục làm rõ sự cần thiết, cơ sở kiến nghị cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Hà Nội tương tự như TPHCM tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020.

Cụ thể, xác định rõ căn cứ (pháp luật; thực tiễn tại địa bàn TP. Hà Nội của việc ban hành Nghị quyết; phối hợp với UBND TPHCM tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện. Trên cơ sở kết quả thực hiện, phân tích những ưu điểm, nhược điểm, tính hiệu quả khi áp dụng quy định của Nghị quyết số 27NQ-CP trong thực tế./.