In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

26/10/2021 09:06
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 25/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Công điện gửi: Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và thành phố Đà Nẵng.

Công điện nêu: Những ngày qua, mưa lũ đã liên tiếp tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt từ ngày 22 đến 24 tháng 10 năm 2021 tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có mưa rất lớn (có nơi gần 1.000 mm trong 3 ngày); lũ trên các sông lên nhanh, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ một số khu vực. Thủ tướng Chính phủ chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào vùng lũ; biểu dương cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã kịp thời tổ chức sơ tán hàng nghìn hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở, lũ quét, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Hiện nay, lũ một số sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi còn đang ở mức cao, một số khu vực vẫn xảy ra ngập lụt; đồng thời áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang di chuyển về phía đất liền nước ta, theo dự báo có khả năng mạnh lên thành bão, gây gió mạnh trên biển, ven biển từ Quảng Trị đến Bình Thuận và tiếp tục gây mưa lớn tại khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khẩn trương rà soát, triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, trong đó tập trung hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn dân cư trong trường hợp xảy ra mưa lũ lớn.

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ: Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, cứu trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, khắc phục nhanh các tuyến giao thông, hồ đập bị sự cố, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút,...

2. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ theo đề nghị của địa phương.

3. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông chính để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; hướng dẫn, giám sát việc vận hành liên hồ chứa theo thẩm quyền.

5. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các bộ, ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý Nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ  đập, bảo vệ sản xuất, hệ thống điện và kịp thời hỗ trợ địa phương khắc nhanh hậu quả mưa lũ.

6. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Rà soát, xử lý ngay khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện 7776/CĐ-VPCP ngày 25/10/2021 gửi các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2021 còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 là chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Ước đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%). Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, số 45/NQ-CP ngày 5/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021 của Văn phòng Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong những tháng cuối năm 2021.

2. Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại bộ, cơ quan, địa phương mình; thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí.

3. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

Nghiên cứu đề xuất hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non tư thục

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 7770/VPCP–KGVX ngày 25/10/2021 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chính sách hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục.

Trước đó, Cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh có Thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, Cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh được sớm hoạt động trở lại; hỗ trợ các gói vay tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian tối thiểu 24 tháng để doanh nghiệp trang trải các chi phí cơ bản; hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp; miễn giảm thuế và các chi phí điện, nước…

Đối với cán bộ, nhân viên giáo viên ngành mầm non tư thục, Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ ưu tiên tiêm vaccine cho giáo viên, cán bộ và nhân viên từ địa phương khác Thành phố Hồ Chí Minh quay trở lại trường làm việc; đồng thời đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ riêng dành cho giáo viên và công nhân viên làm việc trong ngành giáo dục; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho các nhân viên, giáo viên thuộc doanh nghiệp giáo dục mầm non trong thời gian chờ trường học được mở cửa trở lại…

Xét kiến nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đề xuất cụ thể; báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trước ngày 1/11/2021.

Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị giao ban quý III năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 25/10/2021 nêu, trong thời gian tới, Chính phủ từng bước mở cửa nền kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) yêu cầu BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Thủ tướng Chính phủ và BCĐ 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc các lực lượng chức năng, xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác.

Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của BCĐ 389 quốc gia, nhất là Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 8/10/2021 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật còn bất cập, sơ hở, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong đó, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng BCĐ 389 quốc gia về việc xây dựng văn bản quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ở cấp thông tư.

BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của BCĐ 389 quốc gia và BCĐ 389 các cấp, bảo đảm thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo của BCĐ 389 quốc gia.

Đồng thời, làm tốt công tác nghiệp vụ, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề liên quan đến nhóm mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả... Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu và việc quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý.

Văn phòng Thường trực chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xây dựng các kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu qua đường hàng không, buôn lậu mặt hàng tiêu dùng, tạp hóa qua biên giới…, đặc biệt là Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022./.