In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8

24/08/2023 09:07

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương sửa Thông tư 06/2023/TT-NHNN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản số 756/TTg-KTTH ngày 23/8/2023 đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Văn bản nêu rõ: Tại Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 18/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế, khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, hoàn thành trước ngày 21/8/2023.

Tại Văn bản số 115/TTg-KTTH ngày 22/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 18/8/2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 24/8/2023.

Xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tờ trình số 120/TTr-NHNN ngày 22/8/2023 về việc thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 18/8/2023, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt, kịp thời, tích cực trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, quan tâm chỉ đạo ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 7/8/2023 của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cần phải phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn nữa với tinh thần cầu thị, lắng nghe và cần có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc, bất cập được các địa phương, báo chí, dư luận, người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại quan tâm, phản ánh, đề xuất.

Khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Thông tư 06, hoàn thành trong ngày 25/8/2023

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại cuộc họp ngày 17/8/2023 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì, đại diện các Hiệp hội, trong đó có hiệp hội bất động sản, các đại diện doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định có liên quan tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, trong đó có nêu các vướng mắc doanh nghiệp kiến nghị tại các khoản 8, 9, 10 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) và các điều, khoản có liên quan.

Căn cứ các quy định pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định. Chính phủ đã thống nhất chủ trương và yêu cầu phải có biện pháp cụ thể để bảo đảm các nhu cầu vốn tín dụng hợp pháp, chính đáng, đáp ứng đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật cần phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận vay vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng, các nội dung liên quan được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh như nêu trên. Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế để tiếp thu, khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về nội dung này như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Tờ trình số 120/TTr-NHNN ngày 22/8/2023, nhằm nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phải hoàn thành trong ngày 25/8/2023. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để tránh các vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP ngày 29/9/2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/2/2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước

Chính phủ ban hành Nghị định 64/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP ngày 29/9/2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Trong đó, bổ sung quy định xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho người lái máy bay là người Việt Nam.

Cụ thể, đối với Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), sau khi trả lương cho người lái máy bay là người Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động cho VNA từ quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và Ban điều hành theo quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/2/2020 của Chính phủ và khoản 3, khoản 4 Điều 2 Nghị định này (quỹ tiền lương thực hiện) mà mức tiền lương của người lái máy bay là người Việt Nam thấp hơn mức tiền lương của người lái máy bay là người nước ngoài cùng làm việc cho VNA thì được xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho người lái máy bay là người Việt Nam theo quy định sau:

Nguồn tiền lương bổ sung tối đa hằng năm được căn cứ vào mức độ chênh lệch giữa mức tiền lương trước khi được bổ sung của người lái máy bay là người Việt Nam và mức tiền lương (gồm lương cơ bản, lương theo giờ bay và lương theo giờ giảng dạy) của người lái máy bay là người nước ngoài, tính bình quân tương ứng theo nhóm chức danh trong cùng đội bay và thời gian làm việc thực tế của người lái máy bay. 

Mức tiền lương trước khi được bổ sung của người lái máy bay là người Việt Nam là mức tiền lương được hưởng từ quỹ tiền lương thực hiện hằng năm, theo quy chế trả lương của VNA. Việc phân bổ quỹ tiền lương thực hiện hằng năm để trả lương cho người lái máy bay là người Việt Nam được lấy theo tỷ lệ (%) giữa phần tiền lương thực tế năm 2022 trả cho người lái máy bay là người Việt Nam so với quỹ tiền lương thực hiện của năm 2022. 

Việc xác định nguồn tiền lương bổ sung phải phù hợp với khả năng đáp ứng tài chính của VNA, bảo đảm VNA hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao hằng năm (nếu VNA lỗ thì phải giảm lỗ so với thực hiện của năm trước liền kề). 

Nguồn tiền lương bổ sung được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của VNA theo quy định của pháp luật và được sử dụng để trả cho người lái máy bay là người Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng lao động cho VNA tại thời điểm trả thêm tiền lương, không chi trả cho các đối tượng khác hoặc sử dụng vào mục đích khác. Việc trả thêm tiền lương cho người lái máy bay là người Việt Nam được căn cứ vào chức danh và thời gian làm việc thực tế của người lái máy bay theo quy chế của VNA.

Quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Chính phủ ban hành Nghị định 60/2023/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong đó, Nghị định quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi gồm:

+ Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất;

+ Ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.

Trường hợp các ô tô đã đưa ra thị trường có lỗi kỹ thuật phải triệu hồi, người nhập khẩu phải thực hiện các công việc sau đây:

Trong thời gian không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu không bán ra thị trường các ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được khắc phục;

Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo triệu hồi từ nhà sản xuất hoặc từ cơ quan kiểm tra, người nhập khẩu phải gửi tới cơ quan kiểm tra báo cáo bằng văn bản các nội dung sau: nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật; biện pháp khắc phục; số lượng ô tô phải triệu hồi; kế hoạch triệu hồi phù hợp;

Chủ động thực hiện và tuân thủ theo đúng kế hoạch triệu hồi, đồng thời người nhập khẩu phải công bố thông tin về kế hoạch triệu hồi và danh sách ô tô phải triệu hồi trên trang thông tin điện tử của người nhập khẩu, các đại lý bán hàng một cách kịp thời, đầy đủ.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra:

Thông báo bằng văn bản cho người nhập khẩu về việc tiếp nhận kế hoạch triệu hồi và các yêu cầu bổ sung đối với chương trình triệu hồi (nếu có).

Yêu cầu người nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi; thông tin về ô tô bị triệu hồi trên trang thông tin điện tử của cơ quan kiểm tra; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện triệu hồi của người nhập khẩu theo kế hoạch.

Tạm dừng các thủ tục chứng nhận chất lượng đối với người nhập khẩu ô tô không thực hiện trách nhiệm theo quy định.

Cơ quan kiểm tra sẽ xem xét dừng thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các ô tô của cùng nhà sản xuất nếu người nhập khẩu cung cấp được bằng chứng nhà sản xuất đó không phối hợp để thực hiện kế hoạch triệu hồi.

Đối với ô tô thuộc diện triệu hồi mà chưa được cơ quan kiểm tra cấp giấy chứng nhận, cơ quan kiểm tra thông báo tới cơ quan hải quan nơi mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu cho phép người nhập khẩu tạm giải phóng hàng để người nhập khẩu thực hiện việc khắc phục các xe thuộc diện triệu hồi. Sau khi người nhập khẩu cung cấp danh sách các ô tô đã được khắc phục lỗi theo quy định của nhà sản xuất, cơ quan kiểm tra tiếp tục thực hiện thủ tục kiểm tra, chứng nhận theo quy định.

Nghị định 60/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/10/2023, áp dụng đối với ô tô kể từ ngày 1/8/2025.

Xử lý triệt để tình trạng ngập tại cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây

Công văn số 6483/VPCP-CN ngày 23/8/2023 của Văn phòng Chính phủ nêu: Xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về tình trạng ngập cục bộ tại đoạn tuyến Km25+369 - Km25+469 thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (Dự án), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý triệt để, không để lặp lại tình trạng tương tự tại Dự án này, cũng như các dự án khác.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ do Bộ làm chủ quản đầu tư, cũng như đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả sau đầu tư xây dựng./.