In bài viết

Thông tin thống kê – Những con số biết nói

(Chinhphu.vn) – Gần đây, trên một số diễn đàn, một số phương tiện thông tin đại chúng có những ý kiến hoài nghi về chất lượng của thông tin thống kê. Bài viết này bàn về chất lượng thông tin thống kê từ góc độ khái quát nhất.

16/10/2013 08:15

Chất lượng thông tin thống kê được biểu hiện trên nhiều mặt, trong đó có 3 mặt chủ yếu là mức độ chính xác (còn có thể được gọi là độ tin cậy), kịp thời, đầy đủ. Trong đó độ tin cậy là yêu cầu số một.

Hầu hết thông tin thống kê đều có độ tin cậy

Trước hết, về mức độ chính xác: Phải khẳng định rằng hầu hết các thông tin thống kê đều có độ tin cậy nhất định, nhất là những thông tin quan trọng nhất của cả nước, như: GDP (bao gồm tốc độ tăng, cơ cấu nhóm ngành, cơ cấu loại hình kinh tế); các chỉ số giá (bao gồm giá tiêu dùng, giá vàng, giá USD, giá bán sản phẩm của người sản xuất, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, giá xuất khẩu, giá nhập khẩu, tỷ giá thương mại, giá cước vận tải); xuất/nhập khẩu, xuất/nhập siêu hàng hóa; khách quốc tế đến Việt Nam; một số chỉ tiêu về giáo dục, y tế công lập và nhiều chỉ tiêu khác.

Các ý kiến hoài nghi đặt dấu hỏi, một số “nói quá” đối với nhiều chỉ tiêu, thậm chí còn cho rằng hầu hết các con số thống kê đều không tin cậy. Nhưng tổng hợp lại, các ý kiến thường tập trung vào một số vấn đề: Tốc độ tăng GDP của hầu hết các địa phương đều cao hơn nhiều so với của cả nước. Số doanh nghiệp đang hoạt động thấp so với số liệu đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với số liệu đăng ký mã số thuế của Tổng cục Thuế cần được giải trình. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và giảm liên tục trong mấy năm nay. Số lao động được giải quyết việc làm năm nào cũng cỡ 1,5-1,6 triệu người… Tỷ lệ lao động được đào tạo trong báo cáo và chỉ tiêu kế hoạch rất cao, còn của Tổng cục Thống kê gần đây công bố trên Niên giám Thống kê gần như rất thấp.

Chưa đầy đủ và kịp thời

Về mức độ kịp thời, thông qua việc rút ngắn kỳ hạn báo cáo, thông qua báo cáo ước tính kịp thời, thông qua việc đẩy nhanh hơn việc tổng hợp và công bố thông tin một số cuộc điều tra… việc công bố thông tin thống kê đã kịp thời hơn trước.

Tuy nhiên, do tình hình thực tế thị trường hiện nay diễn biến nhanh chóng, phức tạp, thực tế ấy đòi hỏi các chủ thể trên thị trường và các nhà lãnh đạo quản lý phải kịp thời có biện pháp chỉ đạo, ứng phó. Do vậy, nhu cầu được cung cấp thông tin kịp thời để phục vụ cho việc ban hành các quyết định quản lý là hết sức cần thiết. Với đòi hỏi đó thì việc công bố thông tin thống kê vẫn còn chậm so với nhu cầu chính đáng của người sử dụng.

Cũng cần phải lưu ý là các thông tin mà người sử dụng thông tin hiện nay yêu cầu cần được công bố kịp thời hơn, chính xác hơn là những thông tin liên quan đến tài chính, tiền tệ, con số doanh nghiệp ngừng hoạt động, thất nghiệp, thiếu việc làm...

Về đáp ứng yêu cầu đầy đủ của thông tin thống kê cũng có tiến bộ so với trước. Hệ thống chỉ tiêu tăng hơn nhiều, đặc biệt số chỉ tiêu đã tăng lên cùng với những phân tổ của chúng lại càng làm cho thông tin thống kê đầy đủ hơn. Tuy nhiên, nhìn tổng quát, số chỉ tiêu vẫn nghiêng nhiều về số lượng, hiện còn thiếu nhiều chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Cụ thể, đóng góp của các yếu tố đối với tăng trưởng, đặc biệt là năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chưa được Tổng cục Thống kê công bố. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư (hệ số ICOR) cũng là chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng quan trọng, nhưng chưa được Tổng cục Thống kê công bố, trong khi báo chí, các chuyên gia thường đề cập tới con số này.

Một chỉ số quan trọng nữa là vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ký kết, cam kết, giải ngân là nguồn vốn quan trọng, nhưng chưa được Tổng cục Thống kê công bố. Vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào/ra là một nguồn vốn biến động lớn, nhạy cảm, nhưng chưa có thống kê. Chỉ số phát triển con người (HDI), giáo dục, y tế ngoài công lập, đào tạo nghề… cũng ở trong tình trạng tương tự.

Những nguyên nhân cơ bản

Chất lượng thông tin thống kê còn những hạn chế như trên là do nhiều nguyên nhân. Trước hết, là nguyên nhân do nhận thức về vai trò của công tác thống kê còn chưa đầy đủ. Thực tế, thống kê không chỉ phục vụ cho quản lý Nhà nước, mà phục vụ cho mọi đối tượng có nhu cầu. Nói cách khác, đây cũng không chỉ là hoạt động của riêng Nhà nước mà là hoạt động quan trọng của mọi chủ thể trên thị trường.

Bởi thông tin thống kê là căn cứ để hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch, đồng thời cũng là công cụ để kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch. Thông tin thống kê cũng không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê ở trong nước, mà còn của quốc tế theo cam kết hội nhập. Hoạt động thống kê không chỉ là thu thập, tổng hợp, công bố thông tin, mà còn phải được phân tích để làm cho "con số biết nói" và dự báo xu hướng vận động của các vấn đề kinh tế, xã hội…

Bên cạnh đó, hạn chế về chất lượng thông tin thống kê còn xuất phát từ nguyên nhân do hoạt động thống kê chưa thực sự được độc lập về chuyên môn nghiệp vụ như Luật Thống kê đã quy định. Hiện nay ở Trung ương thì Tổng cục Thống kê đã từ chỗ là cơ quan trực thuộc Chính phủ, chuyển thành đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch.

Ở nhiều bộ, ngành, thống kê không là đơn vị riêng, mà thuộc Vụ Kế hoạch; trong khi chức năng của thống kê là kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch. Ở các sở, ngành địa phương, không có cán bộ thống kê riêng, mà thường do Phòng Kế hoạch kiêm nhiệm.

Ở xã - nơi có nhiều thông tin ban đầu, thống kê chỉ có một nửa định suất do cán bộ văn phòng kiêm nhiệm. Với thực tế tổ chức bộ máy thống kê như trên, nhiều ý kiến hoài nghi cho đây là hoạt động “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, “tay bốc thuốc, tay kê đơn”…

Ngoài ra, còn phải kể đến một nguyên nhân quan trọng khác, đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin  phục vụ cho hoạt động thống kê chưa được đầu tư tăng cường đúng mức. Vì chỉ có như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin kịp thời, tổng hợp thẳng từ cơ sở để bảo đảm độ tin cậy cũng như hạn chế tư tưởng thành tích can thiệp trong quá trình lựa chọn mẫu điều tra, suy rộng, tổng hợp, công bố thông tin, đồng thời có thể truy cập dễ dàng thông tin giữa các cấp, các ngành…

Quan trọng là trung thực

Tính chính xác của thông tin thống kê phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là yếu tố con người, là sự trung thực. Theo đó, các đối tượng cung cấp thông tin cần chấp hành nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin thống kê, đặc biệt, đối với các tổ chức là doanh nghiệp cần phải sớm kiện toàn công tác hạch toán, ghi chép sổ tổng hợp, báo cáo, tránh lãi giả, lỗ giả… để bảo đảm cung cấp số liệu tin cậy.

Bên cạnh đó, người làm công tác thống kê phải bảo đảm được tính khách quan trong quá trình tác nghiệp cũng như phải được độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và có bản lĩnh, nghiệp vụ để thực hiện quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ. Có như vậy những con số mới thực sự “biết nói”, mới phản ánh tính quy luật của hiện tượng, sự biến chuyển từ lượng sang chất, mới dự báo được xu hướng của tình hình…

Còn đối với người sử dụng thông tin thống kê, nhất là các nhà lãnh đạo, quản lý, thì một mặt cần tin vào tính khách quan của thống kê (thống kê không có động cơ gì để tô hồng hoặc bôi đen hiện thực); tích cực sử dụng thông tin thống kê và các kiến nghị giải pháp của thống kê. Mặt khác, không được can thiệp vào hoạt động nghiệp vụ để làm sai lệch số liệu thống kê (chọn mẫu, suy rộng, tổng hợp, công bố thông tin thống kê) theo ý kiến chủ quan hoặc tư tưởng thành tích của mình.

Sai số toán học là ±5%

Nhân đây cũng muốn nói rõ hơn về một số vấn đề sử dụng thông tin thống kê. Hoạt động thống kê là điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các thông tin phản ánh bản chất và tính quy luật của các hiện tượng kinh tế-xã hội trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể do tổ chức thống kê Nhà nước tiến hành. Thông tin thống kê là sản phẩm của hoạt động thống kê, bao gồm số liệu thống kê và bản phân tích các số liệu đó.

Tuy nhiên, phương pháp điều tra của thống kê dựa trên phương pháp khoa học; việc điều tra thống kê có sai số tất yếu do chỉ điều tra một số ít đơn vị nhưng phải suy rộng ra toàn bộ. Theo toán học, sai số này ở mức ±5%, tức là kết quả suy rộng thường cao hoặc thấp hơn số thực tế khoảng ±5%.

Với mức sai số này, theo lý thuyết khoa học đã là rất chính xác, muốn rút ngắn sai số phải tăng số lượng đơn vị trong mẫu điều tra. Nếu như vậy sẽ rất tốn kém lực lượng điều tra, thời gian điều tra, kinh phí điều tra.

Trong khi việc lựa chọn mẫu điều tra và suy rộng ở Việt Nam còn phải theo cấp để phục vụ nhu cầu thông tin của các cấp hành chính, nên mẫu rất lớn và sai số còn lớn hơn. Tổng cục Thống kê đang phối hợp với các cơ quan để sửa đổi Luật Thống kê. Kỳ vọng khi Luật Thống kê được sửa đổi và đưa vào thực hiện, thì chất lượng thông tin thống kê sẽ được nâng lên.

Minh Ngọc