 | Công nhân Nhà thầu K.A.D Việt Nam đang tập kết và thi công gói thầu HH4.NT. Mặc dù nhà thầu này đã trượt vòng "đấu bảng" nhưng vẫn được dự trận "chung kết" khiến dư luận bất bình. | |
Mặc dù UBKT Trung ương (Khóa 10) đã yêu cầu xử lý kỷ luật 2 cá nhân là ông Lê Văn Quế (Chủ tịch HĐTV) và ông Dương Khánh Toàn (Tổng Giám đốc) Tập đoàn Sông Đà; Bộ Công an cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu phục vụ công tác điều tra các sai phạm ở đây; mặc dù liên tục bị điều tra và tố cáo, nhưng dường như các dấu hiệu sai phạm chưa dừng lại. Mới đây nhất (tháng 4/2011), gói thầu HH4.NT của dự án Tòa nhà hỗn hợp HH4 - Sông Đà Twin Tower (gói cung cấp và thi công nội thất ở 1 số khu vực trong tòa nhà này) lại bị tố cáo vi phạm Luật Đấu thầu, sử dụng nhà thầu không đủ tiêu chuẩn để thi công, gây bất bình cho các nhà thầu khác.
Đấu đi, đấu lại vẫn trượt
Trao đổi với phóng viên, một nhà thầu SD cũng tham gia bỏ thầu cho biết: Cả hai lần thầu, chúng tôi và một số nhà thầu khác đều trượt "vòng loại" khiến nhiều nhà thầu hụt hẫng và thất vọng. Lần đầu từ ngày 02/12/2010 - 13/02/2011, sau khi chấm thầu được vài ngày thì chủ đầu tư HH4 ra thông báo số 74/TĐSĐ-KH hủy thầu gói này khiến cho các nhà thầu vô cùng bức xúc vì cách làm tùy tiện. Kiến nghị của các nhà thầu về gói thầu này cũng không được Tổng Giám đốc Tập đoàn Sông Đà là ông Dương Khánh Toàn trả lời rõ ràng.
Do tiến độ gấp rút của dự án, vào 23/02/2011, gói thầu HH4.NT (đấu thầu lại) được mở lại. Lần này, có 6 nhà thầu gồm Công ty CP Lanmark, KAD Việt Nam, Sông Đà 25, Sông Đà 19, Nội thất Sao Việt và liên danh Công ty CP Xây dựng và Du lịch - Công ty Biển Bắc. Sau khi xem xét hồ sơ dự thầu của 06 nhà thầu tham dự lần 2 này. Hội đồng chấm thầu và ngay trong nội dung Tờ trình số 145/TĐSĐ/KH, ký ngày 06/04/2011 của Tổng Giám đốc Tập đoàn Sông Đà cũng ghi rõ: Về cơ bản, các hồ sơ dự thầu đều không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Trong đó, 5 nhà thầu không đạt bước đánh giá sơ bộ do vi phạm điều kiện tiên quyết, cụ thể là: Công ty CP Landmark đã không đảm bảo số HĐ chứng minh năng lực kỹ thuật. Công ty CP KAD Việt Nam thì hồ sơ dự thầu có hiệu lực 58 ngày, trong khi yêu cầu là 60 ngày… Chỉ có 1 nhà thầu vượt qua được bước đánh giá sơ bộ, chuyển sang bước đánh giá chi tiết về kỹ thuật là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Du lịch - Công ty TNHH Biển Bắc. Nhưng khi đánh giá về mặt kỹ thuật thì nhà thầu này cũng bị loại vì điểm thấp hơn điểm tối thiếu. Căn cứ vào những tiêu chí như vậy, Ban Quản lý đã báo cáo để Tổng Giám đốc Tập đoàn Sông Đà hủy kết quả đấu thầu theo đúng Luật Đấu thầu để làm lại lần 3.
Lách luật
Lấy lý do nhu cầu tiếp độ của dự án, ông Dương Khánh Toàn, TGĐ Tập đoàn Sông Đà đã cho phép làm Tờ trình số 145/TĐSĐ/KH, ký ngày 06/04/2011 gửi Hội đồng thành viên Tập đoàn Sông Đà để cho Ban Quản lý dự án này được tự do đàm phán với các nhà thầu về gói thầu này. Để lách Luật Đấu thầu, TGĐ Dương Khánh Toàn vận dụng luôn một văn bản đã từng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng cho phép. Nhưng xin nói rõ, việc Thủ tướng chấp thuận phương án này là vào năm 2004, lúc đó Luật Đấu thầu chưa ra đời.
Có được "bảo bối", Tập đoàn Sông Đà cho luôn nhà thầu là Công ty CP K.A.D Việt Nam (nhà thầu đã bị loại do vi phạm điều kiện tiên quyết theo Luật Đấu thầu) được nhận gói thầu này khiến cho hàng loạt các Công ty khác như Sông Đà 19, 25, nội thất Sao Việt… chưng hửng, thất vọng. Thậm chí, nhà thầu liên doanh Biển Bắc đã từng lọt vòng sơ loại cũng bị văng ra lề đường. Phút chốc gần chục nhà thầu hy vọng trúng thầu đều tan giấc mộng vì cách lám trái luật pháp.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Vũ Thị Bích Hải, Đoàn luật sư Hà Nội nhìn nhận: Luật Đấu thầu được thực thi từ ngày 01/04/2006 thì phải áp dụng luật, chứ không thể áp dụng những văn bản khác thay thế cho luật. Trong nghị định số 85/2009-NĐ-CP, ngày 15/10/2009 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký đã chỉ rõ việc thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng: "Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2009. Các Nghị định số 58/2008, Quyết định số 49/2007, những quy định trước đây của Chính phủ, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các địa phương trái với quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật sửa đổi và nghị định này đều bãi bỏ". Như vậy, việc TGĐ Dương Khánh Toàn tùy tiện áp dụng những văn bản trước đây của Thủ tướng, trong khi những văn bản đó không có hiệu lực là nhằm mục đích gì? Một lần nữa, các cơ quan chức năng cần vào cuộc tìm hiểu, xem xét làm rõ động cơ các sai phạm trên.
Nhóm PVPL