In bài viết

Thông tin về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/2.

09/02/2015 18:31
Thủ tướng bổ nhiệm và phê chuẩn một số cán bộ lãnh đạo

Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định bổ nhiệm, phê chuẩn và miễn nhiệm một số cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tỉnh Quảng Trị.

Cụ thể, tại Quyết định 200/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại Quyết định 207/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Kim Anh, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tại Quyết định 199/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị.

Tại Quyết định 196/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Chiến Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh.

Đồng thời, tại Quyết định 194/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Công Dung, Thiếu tướng, nguyên  Giám đốc Công an tỉnh, để nghỉ công tác chờ nghỉ hưu theo chế độ.

Xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu

Các lực lượng chức năng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn chặn và phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, dung túng, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

Năm 2014, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được nâng cao và chuyển biến mạnh; vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, nhất là Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng,  Công an, Quản lý thị trường… được đề cao và đặc biệt kết quả đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý đạt hiệu quả cao hơn những năm trước (xử lý trên 206 nghìn vụ vi phạm, tăng 12,1% so với năm 2013; nộp ngân sách tiền xử phạt, bán hàng tịch thu và truy thu thuế hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2013; khởi tố 2.081 vụ với 2.275 đối tượng liên quan).

Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn “tinh vi”, quy mô ngày càng lớn, diễn ra trên phạm vi rộng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc; phê bình, chấn chỉnh, xử lý đối với những tập thể và cá nhân chưa làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận động người dân “nói không với hàng lậu” và hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó từng bước xã hội hóa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chủ động rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành, nhất là các chính sách về thương mại biên giới, kinh doanh tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan… tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có hiệu quả.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống buôn lậu

Các lực lượng chức năng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn chặn và phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, dung túng, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Làm tốt công tác dự báo tình hình, nắm chắc đối tượng, tuyến, địa bàn nhất là tuyến, địa bàn trọng điểm, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới để có biện pháp ngăn chặn, xử lý, đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, điều chuyển, bố trí người khác thay thế nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả nghiêm trọng hoặc kéo dài trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; xử lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên nhằm chia sẻ thông tin để nắm chắc tình hình, đảm bảo công tác này thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, nhất là trong đấu tranh, triệt phá các “đường dây, ổ nhóm” buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức.

Phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng

Gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế địa phương. Phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một trong những vùng du lịch - sinh thái hấp dẫn "bậc nhất" khu vực châu Á - Thái Bình Dương, động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.

Theo đó, năm 2020 Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ đón khoảng 65 vạn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 5,5 vạn. Năm 2030 dự báo khoảng 135 vạn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 5,5 vạn.

Bảo tồn nguyên trạng và tính toàn vẹn của di sản

Theo quy hoạch, sẽ bảo tồn nguyên trạng và tính toàn vẹn của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong mối liên kết bảo tồn với vùng sinh thái Hin Nammo của Lào và quần thể sinh thái dãy Trường Sơn. Thiết lập và kiểm soát các hành lang đa dạng sinh học lưu vực sông Son, sông Ranh, sông Nhật Lệ nối liền Vườn quốc gia với các vùng tự nhiên khác trong vùng miền Trung.

Kiểm soát các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khai thác đá mỏ quặng, kinh tế thương mại, phát triển dân cư... trong vùng đệm, đặc biệt tại các khu vực cửa khẩu Thượng Trạch, cửa khẩu Cha Lo, dọc 2 bên bờ sông Son để không ảnh hưởng đến bảo tồn.

Phát triển khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử trong địa bàn tỉnh Quảng Bình và các tỉnh miền Trung trên tuyến du lịch quốc gia "Con đường di sản miền Trung".

Xây dựng tuyến không gian lễ hội kéo dài từ biển đến Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng dọc theo đường thủy từ sông Gianh đến sông Son và theo đường bộ từ thành phố Đồng Hới đến đô thị Du lịch Phong Nha. Xây dựng trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp tại Sơn Trạch, Phúc Trạch. Hình thành các điểm du lịch chất lượng cao trong Vườn quốc gia, trên sông Son, sông Troóc, sông Long Đại, thác nước Phù Định, núi Thần Đinh...

Hình thành các tuyến du lịch theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường 20 Quyết Thắng; tuyến đến bản A Rem qua các hang động; tuyến theo đường Hồ Chí Minh đến đỉnh U Bò, hang Én và hang Sơn Đoòng, sông Long Đại;...

Phát triển đô thị du lịch và cảnh quan

Riêng đối với đô thị du lịch Phong Nha, sẽ phát triển đô thị du lịch và cảnh quan; cung cấp các dịch vụ đô thị cao cấp phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch Vườn quốc gia. Dân số năm 2020 khoảng 13 - 18 nghìn người và năm 2030 khoảng 15-20 nghìn người.

Mở rộng, nâng cấp trung tâm xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch và lựa chọn quỹ đất cao ráo tại các thôn Xuân Sơn, Hà Lời... để xây dựng các khu chức năng đô thị hạn chế ngập lũ sông Son. Hình thành trung tâm dịch vụ du lịch Phong Nha trên cơ sở nâng cấp trung tâm du lịch hiện có trên sông Son thành trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Mở rộng, nâng cấp trung tâm xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch về phía Đông đường Hồ Chí Minh. Phát triển các khu nhà ở sinh thái, dịch vụ công cộng phục vụ khu dân cư nông thôn xã Phúc Trạch và lân cận, chợ nông sản đầu mối, dịch vụ quá cảnh trên đường Hồ Chí Minh...

Xuất cấp lương thực cho 5 địa phương

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 3.077 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để cứu đói cho nhân dân dịp Tết nguyên đán năm 2015.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận 594 tấn gạo; tỉnh Quảng Bình 1.000 tấn gạo; tỉnh Phú Yên 272 tấn gạo; tỉnh Thanh Hóa 1.211 tấn gạo.

UBND các tỉnh tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) gần 10 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 13 tỉnh: Quảng Trị, Lào Cai, Nghệ An, Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Ngãi, Yên Bái, Ninh Bình, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nam, Kon Tum, Gia Lai để hỗ trợ cho nhân dân trong dịp Tết nguyên đán năm 2015.

Xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng cho 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 25.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid; 250.000 liều vắc xin dịch tả lợn; 10 tấn Sodium Chlorite 20%; 50.000 liều vắc xin LMLM type 0 và 20 tấn hóa chất Chlorine 65% min thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Phú Yên và Bình Định phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, tỉnh Phú Yên được xuất cấp 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid, 100.000 liều vắc xin Dịch tả lợn và 10 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20%. Tỉnh Bình Định được xuất cấp 15.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid, 50.000 liều vắc xin LMLM type 0, 150.000 liều vắc xin Dịch tả lợn và 20 tấn hóa chất Chlorine 65% min.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xuất cấp, quản lý và sử dụng số hóa chất nêu trên phải thực hiện theo quy định hiện hành.

Giải quyết chế đội đối với TNXP làm nhiệm vụ ở Ga Gôi, Nam Định

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về giải quyết chế độ đối với thanh niên xung phong (TNXP) làm nhiệm vụ ở Ga Gôi (tỉnh Nam Định) bị nhiễm chất độc do hóa chất phát nổ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình chuẩn xác số liệu, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất chính sách, mức hưởng đối với lực lượng thanh niên xung phong trên và con của họ bị khuyến tật, kinh phí thực hiện chính sách, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015.

Được biết, 17h30 phút ngày 20/8/1966, một tốp máy bay Mỹ bất ngờ ập đến trút bom vào đoàn tầu đầy hàng hoá đang đậu tại Ga núi Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Có lệnh báo động, tất cả hơn 100 thanh niên xung phong Đại đội 895 Thái Bình nhất loạt lao lên cứu hàng hoá trong tiếng gầm rú điên loạn của máy bay.

Bất chấp bom nổ, lửa thiêu, Đại đội 895 đã đưa hàng ngàn tấn gạo ra nơi an toàn. Khi vào cứu toa hoá chất cuối cùng, 12 chiến sỹ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh ngay tại trận địa, hàng trăm người bị nhiễm độc./.