![]() |
TS Nguyễn Đình Cung lo ngại nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam bị "kiểm tra kép" |
Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc đánh giá Thông tư 37 phải căn cứ vào yêu cầu mà Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP.
Về tinh thần chung trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản, Nghị quyết 19 yêu cầu phải cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm số lượng, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện, bảo đảm minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Thứ hai là phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sau hậu kiểm. Thứ ba là công khai hóa tiêu chuẩn áp dụng, đơn vị kiểm tra, thời gian và chi phí kiểm tra với từng mặt hàng cụ thể.
Riêng với Thông tư 32, Nghị quyết 19 chỉ rất rõ hướng sửa đổi, đó là miễn kiểm tra đối với 5 loại hàng hóa, gồm: Nguyên liệu sản xuất, sản phẩm trung gian; sản phẩm khuyến mại nhỏ; sản phẩm quen thuộc đã được nhập khẩu nhiều lần và đã kiểm tra chất lượng với số lần tương ứng; sản phẩm nhập khẩu từ khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn hoặc có thương hiệu nổi tiếng; sản phẩm có xác nhận, chứng nhận (của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có uy tín) đạt chất lượng cao. Cuối cùng, về thủ tục, phải thực hiện đăng ký và trả kết quả kiểm tra qua mạng thông tin điện tử.
Không đáp ứng yêu cầu
Vậy Thông tư có đạt được yêu cầu này không, thưa ông?
Tôi khẳng định rằng về nội dung, Thông tư 37 không phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 19 ở bất cứ một điểm nào.
Trước hết, Nghị quyết 19 chỉ rất rõ là miễn kiểm tra với 5 loại mặt hàng, nhưng Thông tư 37 không có một từ nào nói về việc miễn kiểm tra. Thông tư 37 có quy định về “kiểm tra giảm”, nhưng “kiểm tra giảm” và “miễn kiểm tra” là hai việc hoàn toàn khác nhau. Sở dĩ Nghị quyết 19 yêu cầu miễn kiểm tra với 5 loại hàng hóa trên là căn cứ vào thực tế kiểm tra rất rõ trong suốt 6 năm qua. Cơ quan quản lý phải bỏ kiểm tra ngay, chứ không phải từ bây giờ mới xem xét miễn giảm cho doanh nghiệp.
Nghị quyết 19 yêu cầu thực hiện đăng ký và trả kết quả kiểm tra qua mạng thông tin điện tử, nhưng Thông tư 37 quy định: Kết quả kiểm tra được thông báo qua đường bưu điện hoặc trực tiếp cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc cung cấp trực tiếp đến hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Tức là có tới 3 phương án, nhưng trách nhiệm giải trình không rõ, trường hợp nào gửi qua bưu điện, trường hợp nào gửi trực tiếp, trường hợp nào gửi qua mạng? Trong khi lẽ ra phải theo phương án thuận lợi nhất, đơn giản nhất là phương án 3, cũng là phương án duy nhất theo Nghị quyết 19.
Yêu cầu giảm số lượng hồ sơ cũng không được thể hiện qua Thông tư. Thời gian, chi phí thực hiện thủ tục cũng không quy định, trong khi Thông tư đã là văn bản pháp quy cấp cuối cùng, phải quy định hết sức cụ thể, chi tiết. Tinh minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng không đạt yêu cầu, ví dụ quy định “kiểm tra giảm” nhưng lại không nói rõ giảm như thế nào, giảm bao nhiêu lần. Cũng không thấy quy định về hậu kiểm hay công khai đơn vị được chỉ định kiểm tra.
Nói tóm lại, về yêu cầu trực tiếp của Chính phủ với việc sửa đổi Thông tư 32, thì Thông tư 37 hoàn toàn không đáp ứng, còn về các yêu cầu gián tiếp nói chung, thì Thông tư 37 căn bản không đáp ứng.
Cũng phải nói thêm là trong số các văn bản mà Bộ căn cứ để ban hành Thông tư 37, không hề có Nghị quyết 19, trong khi lẽ ra Nghị quyết 19 phải là căn cứ đầu tiên, căn cứ trực tiếp.
Đề nghị đình chỉ thi hành Thông tư 37
Còn về các vấn đề khác, thưa ông?
Có vấn đề lớn về mặt thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ. Trước hết, về bản chất, kiểm tra formaldehyt là dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý. Còn tổ chức tham gia kiểm tra là do cơ quan quản lý “thuê” kiểm tra hộ. Như vậy, chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp, trước người dân, trước công luận là cơ quan quản lý, chứ không phải tổ chức tham gia kiểm tra. Cơ quan quản lý không thể thoái thác trách nhiệm khi kết quả kiểm tra sai sót, nhầm lẫn…
Việc cung cấp dịch vụ công này phải bảm đảm hiệu quả, tức là được mục tiêu quản lý nhà nước với chi phí thấp nhất. Thông tư có nói đến việc thành lập Hội đồng đánh giá năng lực thực tế của tổ chức đăng ký thực hiện kiểm tra, nhưng quá sơ sài. Hàng loạt câu hỏi quan trọng chưa được giải đáp, như trình tự, thủ tục thành lập hội đồng, hội đồng gồm những ai, theo tiêu chuẩn nào, hội đồng ra quyết định thế nào, trách nhiệm ra sao, tiêu chí nào để lựa chọn tổ chức kiểm định… trong khi Thông tư là văn bản hướng dẫn cuối cùng. Quy định lỏng lẻo như vậy dẫn đến khả năng không lựa chọn được tổ chức kiểm tra tốt nhất với chi phí thấp nhất, dẫn đến nguy cơ buông lỏng quản lý đối với cung ứng loại dịch vụ này, làm giảm chất lượng dịch vụ.
Thông tư quy định Vụ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm của Bộ Công Thương. Đây là nhầm lẫn cơ bản về mặt pháp lý, bởi Vụ không bao giờ là cơ quan quản lý nhà nước, chỉ có Cục mới có một số thẩm quyền về quản lý nhà nước.
Trong khi đó, Thông tư chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia kiểm tra, mà không quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương và Hội đồng đánh giá năng lực thực tế của tổ chức tham gia kiểm tra. Như đã phân tích ở trên, về nguyên tắc, Bộ Công Thương vẫn phải chịu trách nhiệm về dịch vụ cung ứng. Còn quy định như trong Thông tư thì Bộ không phải chịu trách nhiệm gì cả.
Vì những vấn đề trên, tôi đề nghị xem xét lại và đình chỉ hiệu lực thi hành của Thông tư 37.
Một trường hợp điển hình
Ông đánh giá như thế nào về Thông tư này, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt cải cách thể chế?
Chúng ta đang hội nhập sâu rộng chưa từng có. Thách thức lớn nhất và cũng là cơ hội lớn nhất của hội nhập là cải cách thể chế, thay đổi quản lý nhà nước, nâng chất lượng thể chế lên ngang tầm quốc tế. Muốn làm vậy thì trước tiên phải thay đổi tư duy, phải tạo thuận lợi chứ không kiểm soát. Nếu cứ giữ tư duy như cũ thì khu vực doanh nghiệp không thể phát triển được, vì họ sợ rủi ro và một cách ứng phó của doanh nghiệp là không kinh doanh lớn, không làm chính thức. Và rõ ràng, trong vấn đề này, khi sửa đổi từng quy định cụ thể thì vai trò của các Bộ trưởng là quyết định.
Đương nhiên phải nhắc đến vấn đề niềm tin. Qua các cuộc thảo luận, tôi cho rằng đây là một trường hợp điển hình của việc đối kháng giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Rất nhiều người đã bày tỏ thất vọng và cho rằng cơ quan quản lý đã không tiếp thu bất kỳ một ý kiến góp ý nào.
Theo số liệu của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất thì từ khi thực hiện Thông tư 32/2009/TT-BCT đến nay, suốt 6 năm qua, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt, nhưng chỉ có 6 trường hợp không đáp ứng hàm lượng quy định. Tức là xác suất rất nhỏ, nếu kiểm tra tất cả các lô hàng thì quá tốn kém cho doanh nghiệp và xã hội.
Nếu không đổi mới tư duy, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối diện nguy cơ bị kiểm tra kép. Tức là cứ mỗi lần các nước dâng hàng rào kỹ thuật lên cao thì ở trong nước, cơ quan quản lý cũng kiểm tra nhiều hơn nữa, đặt ra tiêu chuẩn khắt khe hơn nữa. Mà rồi khi hàng hóa bị trả về thì cơ quan quản lý vẫn không chịu trách nhiệm gì với doanh nghiệp.
Cũng phải nói thêm là chúng ta cần thay đổi tư duy về việc thu phí, lẽ ra với các dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước thì cơ quan quản lý phải chi trả chi phí. Chẳng hạn, Luật An toàn thực phẩm đã quy định rõ, chi phí kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thì cơ quan kiểm tra chi trả, còn kiểm tra theo yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp chi trả.
Nếu như vậy thì bất kỳ Bộ nào cũng phải tìm cách thu hẹp diện kiểm tra, để kiểm tra ít nhất nhưng đạt hiệu quả cao nhất. Còn không thì sẽ dẫn đến việc cơ quan quản lý kiểm tra càng nhiều càng tốt và chắc chắn không thể cải thiện môi trường kinh doanh.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hà Chính (thực hiện)