In bài viết

Thư cuối năm

(Chinhphu.vn) - Cải cách hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm ùn tắc giao thông, những chính sách mới về bảo hiểm y tế, chính sách với người có công... là những nhóm vấn đề được bạn đọc Cổng TTĐT Chính phủ quan tâm đến nhiều nhất trong năm 2009.

31/12/2009 18:13

Cải cách hành chính được Đảng và Nhà nước ta xác định là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001 - 2010

Cải cách hành chính

Việt Nam cần một nền hành chính công đơn giản và minh bạch, đó là mong muốn không chỉ riêng các doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài. Những bức thư của bạn đọc về vấn đề cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, luôn chiếm số lượng lớn trong các thống kê hàng tuần của Ban Bạn đọc - Cổng TTĐT Chính phủ.

“Các cơ quan hành chính nên coi sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp là niềm vui hay nỗi buồn của chính mình. Khi ấy, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể và gặt hái nhiều thành công hơn”. Đây là ý kiến của bạn Phan Nhật Minh (nhatminh803@gmail.com, Quảng Nam).

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Trần Anh, Giám đốc một Công ty TNHH chia sẻ sự “mệt mỏi” của doanh nghiệp khi phải đối mặt với các thủ tục hành chính. Theo ông Trần Anh, thủ tục hành chính còn rườm rà đã khiến doanh nghiệp cảm thấy chưa được trọng đãi, mặc dù họ là thành phần quan trọng trong nền kinh tế nước nhà.

"Thời gian gần đây khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các vấn đề đất đai, cấp phép xây dựng… chúng tôi thấy đã được đơn giản hơn, thời gian được rút ngắn đi rất nhiều. Tuy nhiên vẫn có khá nhiều khâu, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm cho doanh nghiệp mất thời gian và thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế. Chúng tôi luôn mong muốn địa phương công khai các dự án, quy hoạch phát triển để chúng tôi có cơ hội được đầu tư, góp phần xây dựng, phát triển quê hương".

Chính vì vậy, để tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm triển khai đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30), để hướng tới mục tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% số thủ tục hành chính hiện nay.

Nghị định về công chức cấp xã

Ngay từ khi là Dự thảo cho đến khi được ban hành, Nghị định về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (Nghị định 92/2009/NĐ-CP ban hành ngày 22/10/2009) đã thu hút được khá nhiều ý kiến đóng góp của độc giả.

"Như vậy, sang năm 2010 sẽ có công chức chuyên trách theo dõi về mảng Lao động-Thương binh và Xã hội ở cấp xã. Bởi hiện nay, ở cấp xã, cán bộ văn hoá - xã hội thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, đó là: Công tác văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, gia đình; các nhiệm vụ lao động việc làm, thương binh - liệt sĩ, người có công, công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, xoá đói, giảm nghèo... do đó rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là đối với nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo". Đó là ý kiến của bạn Hoàng Xuân Nghĩa (nghia_tbxh@yahoo.com.vn, Yên Bái).

“Mong sao cán bộ không chuyên trách cấp xã được tăng hệ số lương, bởi với hệ số 1,0 như Nghị định 92 này thì quá “ít ỏi”, trong khi công việc của họ thì không khác gì một công chức”, bạn đọc Huỳnh Kim Xuân (xuanluat2000@yahoo.com, Đồng Nai) viết.

Giảm ùn tắc giao thông

Đây là một trong những nhóm vấn đề được nhiều bạn đọc gửi đến hiến kế cho Chính phủ.

Ùn tắc giao thông vẫn là bài toán khó giải đối với các thành phố lớn

“Theo tôi nguyên nhân chính gây kẹt xe chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông và phân luồng giao thông từng thời điểm không hợp lý. Ý tưởng của tôi là tập trung khắc phục 2 nguyên nhân này”, bạn đọc Nguyễn Đức Tám (ductam2008@gmail.com) đã phân tích khá cụ thể về 2 nguyên nhân này trong thư gửi Cổng TTĐT Chính phủ.

Từ Hàn Quốc, bạn đọc Nguyễn Lan Hương (tily41@yahoo.com) gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ một số giải pháp về điều phối giao thông đô thị. Theo bạn, nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn hiện nay đều có đặc điểm chung là xe nhiều nhưng đường ít, nhỏ, có quá nhiều đường ngang, có nhiều đèn đỏ, thiếu bãi đỗ xe...

“Đường một chiều rất tốt cho những trục chính, ít giao lộ. Nếu đường ngắn, nhiều giao lộ thì đường một chiều lại phản tác dụng. Nếu toàn đường một chiều thì số lượng phương tiện giao thông qua các nút giao thông sẽ tăng lên nhiều lần. Những đường nhỏ, ngắn, nhiều giao lộ nên giữ nguyên hai chiều. Những đường này phải kết nối với đường chính một cách phù hợp với sự trợ giúp của đèn tín hiệu”, bạn đọc Thái Hồng Thanh (thinhanhathanh@yahoo.com, Hà Nội) cho chúng tôi biết.

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)

Năm qua đã xảy một loạt các “biến cố” về công tác VSATTP, như vụ nước uống đóng chai không đạt tiêu chuẩn, sữa nhiễm Melamine, cháo dinh dưỡng ở TP. Hồ Chí Minh, hành phi bẩn, mỡ bẩn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh... “Cần có chế tài đủ mạnh! Rất mong Bộ Y tế hãy vào cuộc kiểm tra ngay những sản phẩm mà con người phải sử dụng hàng ngày!” Đó là ý kiến của bạn Nguyễn Thái Dương (nguyenvanthu862002@yahoo.com) và cũng là của rất nhiều bạn đọc khác, muốn chia sẻ những “bức xúc” khi công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo ngại lớn cho người dân.

“Tất cả những gì liên quan đến mất VSATTP mà chúng ta được nhìn thấy, nghe thấy, được báo chí công khai rộng rãi chỉ là phần rất nhỏ so với thực tế”, bạn đọc Trần Minh Trang (thuy.bong1511@yahoo.com) không giấu nổi sự lo lắng về vấn đề này.

Bạn đọc Nguyễn Chi Mai, hiện đang sinh sống và học tập tại Australia (ncmai99@yahoo.com) cho rằng, Việt Nam cần có một hành lang pháp lý để kiểm soát VSATTP từ trang trại đến bàn ăn, với những khoản tiền phạt và chế tài nặng. Luật về VSATTP sẽ đưa ra mức hình phạt cụ thể, và cả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn, có nhiều hóa chất độc hại cho sức khỏe con người. Hơn nữa, phải có một cơ quan chuyên trách, giữ vai trò “nhạc trưởng” để tránh xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm”.

Bảo hiểm y tế

Được ban hành từ ngày 14/11/2008, Luật Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009, với nhiều điểm mới thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn đọc, bởi ở đó trách nhiệm và quyền lợi của các đối tượng tham gia sẽ có sự điều chỉnh.

Luật Bảo hiểm y tế mở rộng đối tượng thụ hưởng

Rất nhiều bạn đọc đồng tình với ưu điểm của Luật Bảo hiểm y tế trong việc mở rộng đối tượng thụ hưởng: Những người mắc bệnh tim bẩm sinh, người nhiễm HIV, các dị tật bẩm sinh.  

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất được phản ánh từ nhiều thư bạn đọc chính là thủ tục thanh toán để được hưởng bảo y tế theo quy định mới quá rườm rà. “Để được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, trên phiếu thu của con tôi phải có đủ 7 chữ ký, từ chữ ký của bệnh nhân, kế toán thanh toán đến chữ ký của bác sĩ điều trị, y tá hành chính, giám định viên bảo hiểm y tế, phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện”, chị Nguyễn Thanh Hải (saphia_sao@yahoo.com, Từ Liêm, Hà Nội) bộc bạch.

Bên cạnh đó, còn có một số bất cập cũng được bạn đọc đề cập đến như việc chưa kịp in thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, một số dịch vụ kỹ thuật và thuốc bảo hiểm y tế  không nằm trong danh mục dành cho đối tượng này, khó xác định đối tượng được hưởng các loại thuốc ngoài danh mục thanh toán của cơ quan bảo hiểm, khó xác định bệnh nhân tai nạn giao thông có phạm luật hay không…  

Vay vốn đối với học sinh - sinh viên

Năm 2009 là năm thứ 3 thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh-sinh viên. Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự mở ra một cơ hội mới, một "cứu cánh" về tài chính cho nhiều gia đình và con em có hoàn cảnh khó khăn, tạo thêm sinh khí, thúc đẩy truyền thống hiếu học vốn có của người Việt Nam. Nhất là trong năm 2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức vay cho học sinh-sinh viên từ 800.000đ lên 860.000 đồng/tháng.

Thực tế cho thấy, chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho hàng nghìn học sinh-sinh viên có đủ kinh phí để trang trải việc học tập, sinh hoạt; giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện cho con em mình đi học tiếp lên đại học, cao đẳng mà không phải bỏ học giữa chừng, nhất là đối với các gia đình ở các vùng nông thôn, miền núi có 2-3 con đi học.

"Trong quá trình thực hiện việc cho vay vốn vẫn còn những bất cập" là nội dung trong nhiều bức thư của bạn đọc phản ánh về những vướng mắc khi làm thủ tục vay vốn, việc cho vay không đúng đối tượng nhất là các hộ không thực sự khó khăn, hay học sinh là cán bộ đi học vẫn được vay vốn…

“Chúng tôi cho rằng bên cạnh chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, Chính phủ nên có các biện pháp hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên nghèo để họ có thể dễ dàng tìm việc làm hơn sau khi ra trường, có cuộc sống ổn định, đồng thời có thể nhanh chóng trả nợ ngân hàng. Không để vốn vay ưu đãi trở thành gánh nặng lâu dài của gia đình và xã hội”, đây là mong muốn của bạn Mai Thu Hà (hoahongxanh0907@yahoo.com) và cũng là mong muốn của rất nhiều bạn đọc gửi thư cho chúng tôi.

Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang là vấn đề quan tâm của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước

Nhà ở xã hội

Là chính sách có ý nghĩa xã hội lớn, nhà ở xã hội thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, doanh nghiệp. Để được tham gia đầu tư nhà ở thu nhập thấp, doanh nghiệp cần phải đáp ứng những điều kiện gì? Những ai là người sẽ được hưởng chính sách nhà ở xã hội… Đó là những câu hỏi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thường xuyên nhận được từ phía người dân.

Quan tâm đến chính sách này, nhiều bạn đọc đề xuất việc xét đối tượng được mua hoặc thuê nhà ở xã hội là một trong những khâu quan trọng. Vì vậy, nên công khai những đối tượng được xét nằm trong diện được thuê hoặc mua nhà ở xã hội rồi thông báo công khai lấy ý kiến mọi giới liên quan.

Cũng có một số bạn đọc còn băn khoăn về chất lượng của nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp đã thực sự được hưởng những ưu đãi của Chính phủ (hay là nhà thu nhập thấp dành cho người thu nhập cao)? Đồng tình với việc Chính phủ giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở xã hội, qua đó góp phần tích cực trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nhưng bà Bùi Tuyết Mai (downfall0983@gmail.com, Nam Định) đề nghị phải có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát giá bán, giá cho thuê, đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội, tránh việc chính sách bị “biến tướng” khi áp dụng trên thực tế.

Ngoài ra, một số bạn đọc còn mong muốn có một trang web riêng quản lý về việc xây nhà ở xã hội, bởi họ có nhu cầu thực sự về mua nhà ở xã hội nhưng không biết một chút thông tin nào và bắt đầu từ đâu.

Chính sách với người có công

Trong năm qua, Ban Bạn đọc đã chuyển đến cơ quan chức năng hàng trăm câu hỏi và các tình huống khi áp dụng chính sách đối với người có công. Từ những câu hỏi rất đời thường đến những câu hỏi có liên quan đến nhiều vấn đề, như: Chính sách ưu đãi về nhà ở, chính sách ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với con người có công; chăm sóc sức khỏe, ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công, tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống...

Bạn đọc Nguyễn Mạnh Dũng (dtdung1212@yahoo.com, Quảng Nam) bày tỏ: Trong khi thực hiện một số chính sách, tôi nhận thấy nhiều trường hợp rất thiệt thòi, bản thân có cống hiến, hy sinh nhưng vì thiếu một loại hồ sơ, giấy tờ nào đó hay không “trúng” với văn bản, nên không được hưởng chế độ. Và do thời gian đã quá lâu, do thiên tai, chiến tranh… nên nhiều người đã không thể lưu giữ đủ hồ sơ, do vậy rất khó hy vọng được giải quyết chế độ.

Đền ơn đáp nghĩa những người có công với nước là chính sách hệ trọng của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên trên thực tế, thủ tục giấy tờ còn rườm rà, không ít cán bộ thực hiện chính sách còn nặng về giấy tờ, chưa xem xét kỹ các tình huống đặc biệt để giải quyết công việc cho thấu tình đạt lý. Đó là ý kiến của bạn Nguyên Khang (nguyenkhang671@gmail.com).

Việc tính thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn đọc

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Trong năm qua, hàng trăm câu hỏi gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ xoay quanh việc miễn thuế TNCN trong 6 tháng đầu năm đã được cơ quan Thuế hướng dẫn, giải đáp cụ thể, như: Tiền thưởng năm 2008 chi trả vào quý 1/2009 có được miễn thuế TNCN không? Doanh nghiệp trả lương tháng 13, thưởng năm 2008 cho người lao động vào tháng 1/2009 và đã quyết toán cho năm 2008 thì có được điều chỉnh? Nếu doanh nghiệp nước ngoài chi trả thưởng cho người lao động sau khi kết thúc năm tài chính (sau 30/3/2010) thì có được tính miễn 50% thuế TNCN không?…

Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị Thảo (congtythannammautkv@gmail.com, Quảng Ninh) hỏi về việc đóng thuế TNCN đối với cán bộ đã nghỉ hưu được thuê làm chuyên gia.

Xung quanh việc giảm trừ gia cảnh cho đối tượng nộp thuế TNCN cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra, như: Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, người phụ thuộc bao gồm những đối tượng nào? Cá nhân vừa có thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương thì việc đăng ký giảm trừ gia cảnh như thế nào?..

Tiếp đó, việc tính thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản cũng thu hút được quan tâm của khá nhiều bạn đọc. Một số bạn đọc còn đưa ra các giải pháp để việc tính thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản được hợp lý hơn, vì sau một thời gian áp dụng đã cho thấy một số bất cập…

Bạn đọc thân mến, một năm 2009 đã khép lại, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vinh dự và tự hào đã trở thành địa chỉ tin cậy, chia sẻ và giải đáp phần nào những thắc mắc, băn khoăn của bạn đọc. Trong năm 2010, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đáp ứng yêu cầu thông tin của nhân dân và doanh nghiệp.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng chúc quý bạn đọc cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài năm mới 2010 an lành, thành công!

Ban Bạn đọc