Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác Thi hành án năm 2022.
Về công tác thi hành án dân sự (THADS), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết năm 2022, Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế về THADS. Trong đó, đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS để triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các Bộ: Tư pháp, Công an, Quốc phòng chủ trì, phối hợp ban hành 4 thông tư và 1 thông tư liên tịch; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy chế, quy trình nội bộ.
"Chính phủ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS; ban hành Nghị quyết giao cụ thể nhiệm vụ thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án; tổ chức quán triệt, ban hành các kế hoạch triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW; chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các vụ án lớn, phức tạp", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Cụ thể, về kết quả công tác THADS: Tổng số vụ việc phải thi hành là 861.529 việc; có điều kiện thi hành 653.719 việc. Thi hành xong 539.290 việc, đạt 82,50%, tăng 6,67% so với năm 2021.
Tổng số tiền phải thi hành là gần 337 nghìn tỷ đồng; có điều kiện thi hành trên 165 nghìn tỷ đồng; hoàn tất thi hành hơn 75 nghìn tỷ đồng, đạt 45,42% kế hoạch, tăng 14,21% so với năm 2021.
Đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 6.215 việc, thu hồi được hơn 22 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 1.895 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.
Tổ chức, bộ máy cơ quan THADS tiếp tục được kiện toàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng.
Về thi hành án hành chính (THAHC), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết Chính phủ đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP về THAHC, đưa THAHC vào các văn bản quy định chỉ tiêu thống kê quốc gia; quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm pháp luật Tố tụng hành chính (TTHC), THAHC, các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC.
Theo đó, năm 2022, có 992 bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành, các cơ quan Nhà nước là bên phải thi hành án đã thi hành xong 429 bản án, quyết định. Cơ quan THADS đã làm việc với người phải thi hành án trong 327 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 77 vụ việc; thực hiện đăng tải công khai và theo dõi đối với 370 quyết định buộc THAHC.
Về nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ ngành tư pháp tiếp tục quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW; Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC.
Tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật TTHC; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC.
Tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ chấp hành viên, công chức làm công tác THADS, có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực THADS, kiểm tra, thanh tra đối với công tác THADS, THAHC. Củng cố, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương.
Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong THADS, THAHC.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2002 Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác THADS và đạt kết quả đáng ghi nhận.
Kết quả thi hành xong về việc đạt 82,5% (tăng 6,67%), về tiền đạt 45,42% (tăng 14,21%) tính trên tổng số án có điều kiện thi hành, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã thi hành xong 6.215 việc (tăng 1.712 việc).
Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng được quan tâm thực hiện khi đã thi hành xong 1.895 việc, với 15.989 tỷ đồng (tăng 11.895 tỷ đồng). Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế trong THADS tiếp tục được tăng cường; công tác phối hợp tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân tại các trại giam đạt kết quả cao; số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã giải quyết đạt 97,17%.
Về công tác THAHC, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc thi hành Luật Tố tụng hành chính, Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các yêu cầu của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THAHC. Tòa án đã ban hành 403 quyết định buộc thi hành án; Bộ Tư pháp và Cơ quan THADS đã ban hành 77 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Lê Sơn