In bài viết

Thu hút dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Samsung… Tuy nhiên, trước bối cảnh quốc tế và trong nước đang có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường, cần đánh giá toàn diện thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ cũng như định vị vai trò của các doanh nghiệp trong nước khi tiếp nhận các công nghệ mới của doanh nghiệp FDI.

08/09/2023 09:37
Thu hút dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao  - Ảnh 1.

Hội thảo "Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ" - Ảnh: VGP/HG

Ngày 7/9, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo "Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ". Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động tổng kết 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2023.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả đầu tư FDI. 

Có thể kể đến một số chính sách như: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt; Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030;…

Các quy định của Đảng, chính sách của Nhà nước được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện nay, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu giảm sút. Nhiều nước phát triển đang thực hiện chính sách thu hút lại các nhà đầu tư về nước, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ giữa các nước đang phát triển mà còn với các nước phát triển. 

Mặt khác, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 cũng tác động rất lớn đến chính sách đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia...

Do vậy, chúng ta cần phải nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được của những chính sách đã và đang triển khai thực hiện trong thời gian qua đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ; chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế, chưa hoặc không còn phù hợp với bối cảnh, xu hướng phát triển mới của quốc tế và trong nước đang có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường.

Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước chưa nhiều

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, tính đến nay, Việt Nam có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng trong 8 tháng năm 2023, chúng ta đã thu hút được 1.924 dự án mới, 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 22.268 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 18,15 tỷ USD.

Trong thời gian qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Samsung… Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam khiến thị trường nội địa mở rộng nhanh chóng.

Tuy nhiên, để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn này, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà xưởng, điện, nước, hạ tầng xã hội và nhân lực nội địa chất lượng cao.

Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghệp trong nước đang từng bước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá toàn diện thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua; định vị vai trò của các doanh nghiệp trong nước khi tiếp nhận các công nghệ mới của doanh nghiệp FDI, những khó khăn, vướng mắc về thực thi chính sách để từ đó khuyến nghị những giải pháp phù hợp chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến chỉ ra thực tế là, mặc dù các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được đánh giá sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại hơn nhưng không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước; chủ yếu ở mức độ hiện đại trung bình, hoặc trung bình tiên tiến của khu vực.

Ngoài ra, việc cập nhật công nghệ, tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư cho R&D còn hạn chế. Mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Do vậy, cần xây dựng chính sách và cơ chế liên kết giữa hai loại hình doanh nghiệp, bao gồm phát triển công nghiệp hỗ trợ, liên kết theo chuỗi cung ứng sản phẩm, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Các doanh nghiệp trong nước cần chủ động trong việc tìm kiếm các kênh chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng mua phát minh, bản quyền, thương quyền, hợp tác nghiên cứu với cơ quan, tổ chức trong nước, chuyển giao công nghệ thông qua FDI, không bị động trong việc tìm kiếm công nghệ thích hợp với từng doanh nghiệp.

Hoàng Giang