Hội nghị xúc tiến đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics vào vùng ĐBSCL. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Có đủ điều kiện phát triển logistics
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều khẳng định dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp sẽ giúp giảm giá thành hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là đối với những vùng có nhiều lợi thế sản xuất nông sản như ĐBSCL. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt Nam cho rằng logistics còn giúp giảm tổn thất sau thu hoạch đối với vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm này.
Về tiềm năng, các ý kiến đều nhận định vùng ĐBSCL có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất các mặt hàng trái cây, lúa gạo, thủy sản, mở rộng giao thương, lưu thông hàng hóa. Đây là những điều kiện tiên quyết cho phát triển các hoạt động logistics. Đồng thời, việc phát triển logistics ở vùng ĐBSCL là yếu tố quan trọng để phát triển tối ưu mạng lưới cung ứng, tiêu thụ hàng hóa cho khu vực này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết nhiều hình thức vận tải như đường bộ, hàng không, đường sông trong vùng được quan tâm đầu tư trong thời gian qua cũng sẽ góp phần phát triển logistics của vùng. Gần đây, luồng Quan Chánh Bố được nạo vét giúp tàu container có thể cập cảng Cái Cui là thông tin vui cho việc phát triển dịch vụ này. Ông Nhật cho biết trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Bộ GTVT sẽ công bố việc thông luồng Quan Chánh Bố sau 4 tháng hoạt động thử nghiệm.
Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng kết cấu hạ tầng logistics trong vùng ĐBSCL còn những điểm hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và chất lượng chưa cao; hệ thống cảng còn phân tán, quy mô nhỏ lẻ, năng lực thấp, ít cảng container chuyên dùng, chưa phát huy được lợi thế về giao thông đường thủy nội địa; vận hành và kết nối thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các phương thức vận tải, trong nội vùng ĐBSCL và giữa vùng ĐBSCL với thị trường xuất khẩu.
Vùng cũng chưa có trung tâm logistics tập trung quy mô lớn và hệ thống cơ sở, trung tâm logistics vệ tinh; dịch vụ logistics chưa phát triển; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn chuyên về dịch vụ logistics trên địa bàn; khả năng cung ứng chuỗi dịch vụ logistics yếu; chi phí logistics cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa.
Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Tiệp cho rằng các trung tâm logistics phải có “phần cứng” là hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi, dịch vụ tài chính đi kèm và “phần mềm” là các thủ tục hành chính. Căn cứ vào đó, ĐBSCL chưa có một nhà đầu tư logistics lớn nào.
Còn theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ĐBSCL cần xác định phát triển logistics trên nền tảng nào? Nếu là thương mại điện tử thì dứt khoát phải kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư logistics Việt Nam ký kết chương trình phối hợp đầu tư phát triển dịch vụ logistics tại vùng. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thực trạng, vai trò và ý nghĩa của logistics đối với cả nước nói chung và vùng ĐSBCL đã được nhận định rõ ràng tại hội nghị. Logistics là một ngành kinh tế, dịch vụ được nhìn nhận trong một hệ thống, có tính đa ngành, đa lĩnh vực có sự liên kết vùng, kết nối các loại hình vận tải rất cao.
Từ chuyến thị sát cảng Cần Thơ sáng hôm qua, Phó Thủ tướng nêu ví dụ trong cùng một khu, cảng Cái Cui Vinalines có năng lực bốc xếp kém nhưng cảng Tân Cảng- Cái Cui cách đó 200 m thì hoạt động hiệu quả. “Nếu không tổ chức lại thì hết nhiệm kỳ cũng không xóa được khoảng cách 200 m này”, Phó Thủ tướng cảnh báo.
“Thêm vào đó, trung tâm kho lạnh của Trung tâm logistics Mekong (thuộc địa phận Hậu Giang) cách cảng Cần Thơ vài km hoạt động tốt, liệu có cần thiết phải đầu tư thêm cảng Hậu Giang? Và Cần Thơ cũng có cần phải xây dựng thêm 1 kho lạnh nữa không”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần phải liên kết để phát triển thay vì đầu tư phân tán, nhỏ lẻ.
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, trách nhiệm của các bộ, địa phương, Hiệp hội và các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về logistics - ngành có khả năng đóng góp tỷ lệ 10% GDP vào năm 2020 và góp phần nâng cao cạnh tranh quốc gia.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương cần quán triệt tinh thần của Chính phủ về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, liêm chính, hành động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư. Trong đó hỗ trợ tối đa, tăng cường trao đổi, đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có đầu tư kinh doanh logistics vào vùng ĐBSCL.
Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan để tiếp tục cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm khắc phục những điểm chồng chéo, chưa thống nhất; tiếp tục tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ logistics, khuyến khích và huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước phục vụ phát triển dịch vụ này.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, nhất là Bộ Công Thương và các địa phương tập trung triển khai kế hoạch hành động quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Công Thương trao đổi với các địa phương liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư trung tâm logistics tại vùng ĐBSCL theo quy hoạch.
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch hành động chung của vùng về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics.
Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương liên quan rà soát, tập trung hoàn thiện quy hoạch hệ thống giao thông trong vùng ĐBSCL để đẩy mạnh lưu thông trong khu vực và kết nối với Campuchia; nghiên cứu, hoàn thiện quy chế về vận tải xuyên biên giới và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện hình thức này.
Bộ KH&ĐT đưa lĩnh vực logistics vào danh mục ưu tiên kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực logistics trong khu vực.
Thành Chung