Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi vào năm 2000 và 2008, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết và đang có hiệu lực. Dự kiến Luật Dầu khí sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV vào tháng 10 tới.
Tại toạ đàm Luật Dầu khí sửa đổi phục vụ mục tiêu phát triển diễn ra vào ngày 15/9, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự án Luật tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách về bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định về điều tra cơ bản; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí; quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí. Việc cập nhật tình hình thực tiễn vào dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm phù hợp với bối cảnh chung.
"Từ thực tiễn đặt ra, việc sửa đổi Luật dầu khí là hết sức cần thiết nhằm thu hút tốt hơn nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành dầu khí, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội", TS. Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Truyền thông và văn hoá doanh nghiệp (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cho hay, là một trong những doanh nghiệp trọng điểm của nền kinh tế, mỗi năm PVN đóng góp hàng trăm nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tuy nhiên, do môi trường đầu tư kém hấp dẫn, sản lượng khai thác dầu khí đang ngày càng giảm qua các năm,... khiến hoạt động của ngành dầu khí không mang lại hiệu quả như mong đợi. Do đó, đã đến lúc cần sớm hoàn thiện, bổ sung các thể chế nhằm thúc đẩy dầu khí phát triển.
Việc sửa đổi Luật rất cần thiết và quan trọng, bởi trong thời gian dài, đây vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế biển, đóng góp cho đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng. Điều quan trọng là phải rà soát hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, bảo đảm phù hợp trong cách tiếp cận và phương thức điều hành mới.
Ông Phan Minh Quốc Bình, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí cho rằng, trong bối cảnh tiềm năng dầu khí ngày càng hạn chế, công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí hàng năm không đảm bảo bù cho sản lượng dầu khí khai thác. Trong khi đó, hầu hết các mỏ dầu khí khai thác ở trong nước đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng và dần cạn kiệt (Bạch Hổ, Lan Tây, Lan Đỏ,…).
Do đó, Việt Nam cần xem xét các cơ chế, chính sách phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí ở trong nước. Điều này cần được thể hiện rõ trong các nội dung dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Trong đó, cần tham khảo các thông lệ dầu khí quốc tế tốt tại các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Nêu ý kiến tọa đàm, ông Lê Đức Hoá, Giám đốc dự án Lô 01, 02 (Tổng công ty Thăm dò-khai thác dầu khí) cho hay, nhiều người kỳ vọng, Luật Dầu khí sửa đổi lần này như "một chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa dầu khí xinh đẹp đang ngủ".
Ông Hoá cho rằng, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, cần nghiên cứu để bổ sung vào dự thảo luật các hình thức, cơ chế ưu đãi khác, mở rộng phạm vi áp dụng chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã được ký kết và đang thực hiện phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian.
Theo ông Lê Đức Hoá, trong 5 năm qua, có những thời điểm giá dầu thế giới xuống thấp kỷ lục (quý II/2020) gây khó khăn rất lớn cho ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Trong giai đoạn thế giới rất nhiều biến động như hiện nay và những thập kỷ tới, cùng với xu hướng chuyển dịch nguồn năng lượng từ hóa thạch sang "xanh" đang ngày càng hiện rõ, Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng cần cân nhắc đến các cơ chế, nguyên tắc, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư ở những thời điểm giá dầu sụt giảm, để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư cùng vượt qua khó khăn, nhằm tới mục tiêu khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí. Ông Hoá đề xuất, quy định nguyên tắc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên, thuế thu nhập doang nghiệp (thay đổi/giảm) khi giá dầu thô giảm đến một ngưỡng nhất định.
Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) cũng cho rằng, cần xem xét sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật Dầu khí theo nguyên tắc mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi nhất của lĩnh vực dầu khí cũng bằng với mức thuế suất ưu đãi của các dự án thông thường khác. Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư trong hoạt động dầu khí, phù hợp thông lệ quốc tế về bảo đảm đầu tư, dự thảo Luật cần xem xét bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí hiện đang triển khai.
Các đại biểu tại tọa đàm cho rằng, việc sửa đổi nhằm nâng cao tính thực tiễn, khả thi của Luật Dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
Bảo đảm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí được an toàn cho con người và tài sản, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, đem lại hiệu quả, quyền lợi của quốc gia cũng như các nhà đầu tư trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Điều tra cơ bản về dầu khí phải đi trước một bước, làm cơ sở để định hướng và triển khai hoạt động dầu khí.
Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc do cơ chế, sự không rõ ràng, chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật.
Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp, nhất là những khu vực nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng-an ninh trên Biển Đông.
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định trên biển để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Nguyễn Hoàng