In bài viết

Thu hút tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo "Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam".

23/12/2020 07:34


Các đại biểu dự Hội thảo. - Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, chủ trương cho phép tư nhân thực hiện dịch vụ công đã được đề ra từ những năm đầu tiên của tiến trình đổi mới và được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 (ngày 25/10/2017) tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhấn mạnh mục tiêu xã hội hóa, sự tham gia của tư nhân cung cấp dịch vụ công.

Việc cho phép tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ công không phải loại bỏ vai trò của nhà nước mà nhà nước, mà “Nhà nước thay vì là người chèo đò chuyển sang vai trò là người lái đò”, ông Lộc ví von. Nhà nước không trực tiếp cung cấp dịch vụ nhưng là người đặt ra quy định, tổ chức thực thi pháp luật, đảm bảo năng lực của các đơn vị cung cấp dịch vụ và xử lý các trường hợp gian dối, lừa đảo người tiêu dùng, chống độc quyền, đảm bảo an toàn dịch vụ và đặc biệt là thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ công cấp cho người tiêu dùng. Nhà nước đưa ra các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn làm chuẩn mực trong thị trường dịch vụ công.

Đây cũng là những vấn đề được phân tích tại báo cáo "Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt  Nam".

Tóm tắt các nội dung cơ bản được nêu trong báo cáo,  Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: Nghiên cứu tiến hành lựa chọn lĩnh vực dịch vụ công để đánh giá sâu hơn về khả năng cung cấp của các doanh nghiệp tư nhân. Trong số rất nhiều dịch vụ công, nhóm nghiên cứu quyết định lựa chọn lĩnh vực Dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

Khái niệm đánh giá sự phù hợp, theo khoản 5 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, là“Đánh giá sự phù hợp là việc xác định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định.”

Điểm chung của các dịch vụ này là một đơn vị dựa trên uy tín hoặc được ủy quyền từ một đơn vị uy tín khác, sử dụng kiến thức, máy móc chuyên môn để xác thực một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc các thông tin khác nhằm cung cấp cho bên khác. Hoạt động quan trắc môi trường, hoạt động kiểm tra, thẩm định an toàn công trình xây dựng, an toàn phòng cháy chữa cháy, hoạt động công chứng chứng thực… cũng có thể được coi là một dạng dịch vụ chứng nhận sự phù hợp.

Báo cáo nghiên cứu cho thấy: Các đơn vị thuộc Nhà nước có thị phần lớn nhất khi cung cấp dịch vụ tới khoảng 44% số doanh nghiệp trong khảo sát. Trong đó, tỷ trọng khách hàng sử dụng dịch vụ cung cấp bởi đơn vị nhà nước cấp Trung ương, địa phương và đơn vị trực thuộc doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 16%, 22%, 6%. Các đơn vị tư nhân trong nước chiếm thị phần còn lại khoảng 30%, còn 26% thuộc các doanh nghiệp nước ngoài.

Đáng chú ý, các đơn vị tư nhân trong nước dù chiếm đến khoảng 42% số lượng các nhà cung cấp, nhưng chỉ có 30% thị phần. Trái lại, đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ có tỷ trọng về số lượng nhỏ (khoảng 7%) nhưng nắm giữ thị phần đáng kể, đến 26%Như vậy, có thể thấy các đơn vị tư nhân trong nước dù đông đảo, nhưng lại có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hầu hết các đơn vị cũng đã cải thiện về thời gian và quy trình cung cấp dịch vụ nhưng về chất lượng dịch vụ, thời  gian và giá cả cạnh tranh thì các đơn vị nhà nước vẫn được đánh giá thấp hơn tư nhân.

Báo cáo cũng chỉ ra những kiến nghị như cần tránh tình trạng một chỉ tiêu, lĩnh vực chỉ có một hoặc một vài đơn vị cung cấp dịch vụ; không nên chỉ định các đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý chuyên ngành; quản lý tốt việc cấp phép cho các đơn vị tư nhân; hướng đến việc cổ phần hóa các đơn vị nhà nước cung cấp dịch vụ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần tiến tới công khai toàn bộ danh sách các đơn vị đánh giá sự phù hợp được chỉ định theo chỉ tiêu và lĩnh vực trong cùng một bảng dữ liệu. Chỉ cần nhìn vào bảng này là có thể nhanh chóng xác định được những chỉ tiêu, lĩnh vực nào chỉ có một hoặc một vài đơn vị cung cấp dịch vụ ở các miền khác nhau để thúc đẩy việc chỉ định thêm.

Qua trường hợp nghiên cứu điển hình của dịch vụ Đánh giá sự phù hợp, Báo cáo chỉ ra sự cạnh tranh và vận hành của cơ chế thị trường góp phần cải thiện tích cực chất lượng dịch vụ.

Để phát triển hơn nữa dịch vụ Đánh giá sự phù hợp, Nhà nước nên tập trung vào ba vấn đề gồm (1) quy định rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật; (2) kiểm chứng lại ngẫu nhiên kết quả đánh giá; và (3) cung cấp chế tài xử lý các đơn vị cung cấp dịch vụ vi phạm. Ngược lại, Nhà nước không nên kiểm soát mức phí dịch vụ cũng như số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ.

Nhà nước nên mở rộng những phạm vi công việc, hoạt động kinh doanh cho phép tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, bao gồm cả việc chuyển một số hoạt động từ cơ chế hành chính công sang dịch vụ công (như hoạt động thẩm định, thẩm duyệt, kiểm tra của cơ quan nhà nước) và bắt buộc đấu thầu, đấu giá các nguồn tài nguyên, cơ hội kinh doanh và nguồn chi ngân sách.

Việc ưu ái, ủy quyền cho cơ sở nhà nước cung cấp một số dịch vụ mà không cho tư nhân cung cấp theo phản ánh của một số doanh nghiệp và khách hàng trong lĩnh vực chứng nhận sự phù hợp là một hạn chế. Hạn chế này có lẽ không chỉ là tồn tại trong lĩnh vực chứng nhận sự phù hợp mà còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực khác và cần nghiên cứu thêm để có giải pháp khắc phục.

Ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ, đây là báo cáo đầu tiên về chủ đề này và sẽ được thực hiện thường xuyên trong các năm tới. Tổ chức một chuyên đề nghiên cứu về xã hội hóa dịch vụ công nhấn mạnh đến yêu cầu chuyển giao dịch vụ công sang khu vực tư nhân, coi khu vực tư nhân là động lực trong việc phát triển dịch vụ công ở Việt Nam vươn tới những chuẩn mực hội nhập toàn cầu. Xã hội hóa được dịch vụ công trong lĩnh vực dịch vụ đánh giá sự phù hợp là một điểm đột phá rất quan trọngthúc đẩy quá trình cải cách trong lĩnh vực dịch vụ công, chuyển giao dịch vụ công cho xã hội và thị trường.

Giang Thanh