In bài viết

Thu hút và phát huy nguồn lực tri thức, KHCN của kiều bào

(Chinhphu.vn) - Hiện nay có khoảng 500.000 trí thức người Việt ở nước ngoài, hằng năm có khoảng 300 lượt các nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam trực tiếp về nước làm việc, ngoài ra có một số lượng lớn kiều bào là các trí thức, nhà khoa học về nước làm việc, giảng dạy trong thời gian ngắn hạn.

13/08/2018 14:43
Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng
Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị Ngoại vụ 19, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về công tác triển khai các hoạt động, sáng kiến nhằm thu hút nguồn lực kiều bào cho sự phát triển chung của đất nước.

Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) hiện nay có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ; cộng đồng NVNONN đang phát triển rất vững mạnh, có vị thế, vai trò và uy tín nhất định tại nước sở tại. Hiện nay, trong cộng đồng NVNONN xuất hiện nhiều cá nhân nổi bật, tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa của nước sở tại. Quan trọng hơn cả là đại đa số kiều bào ở nước ngoài ngày càng đóng góp nhiều hơn cho quê hương đất nước.

Có khoảng 500.000 trí thức người Việt ở nước ngoài, hằng năm có khoảng 300 lượt các nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam trực tiếp về nước làm việc, ngoài ra có một số lượng lớn kiều bào là các trí thức, nhà khoa học về nước tham gia nghiên cứu, giảng dạy trong thời gian ngắn hạn.

Hằng năm số lượng kiều bào về nước thăm thân, du lịch là khoảng 1 triệu lượt, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của quê hương đất nước và tạo ra sự gắn bó bền chặt hơn giữa cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Cùng với đó là lượng kiều hối có xu hướng ngày càng tăng. Theo số liệu của WB, trong 2 năm 2016-2017 đã có hơn 25 tỷ USD được kiều bào gửi về trong nước, trong số đó có khoảng 60% phục vụ cho sản xuất, khác hẳn với trước đây chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tính đến hiện nay có trên 3000 dự án của doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài về trong nước đầu tư kinh doanh, với tổng số vốn lên tới 4 tỷ USD.

Đặc biệt về mặt khoa học công nghệ, có rất nhiều gương mặt người Việt nổi bật ở nước ngoài là các nhà khoa học nổi danh trên thế giới đang đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay Ủy ban Nhà nước về NVNONN đang phối hợp với các hội đoàn, các cơ quan trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài để thu hút và phát huy nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ của bà con kiều bào. Phải kể đến đó là trong 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 đã có 4 thành viên là kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Trong những năm vừa qua, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm khuyến khích và phát huy nguồn lực kiều bào, đặc biệt đã cung cấp nhiều thông tin tham khảo cho các cơ quan hoạch định chính sách. Cụ thể, cuối năm 2016, tổ chức Hội nghị kiều bào toàn thế giới, đóng góp cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị này các đại diện kiều bào đã đưa ra 50 đề xuất, kiến nghị dành cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như cả nước nói chung, đến nay, đã có một số đề xuất đang được triển khai.

Ngoài ra, chúng ta cũng đã hỗ trợ rất nhiều hiệp hội, tổ chức như Hội khoa học và chuyên gia toàn cầu có trụ sở tại Pháp, Tổ chức sáng kiến Việt Nam tại Hoa Kỳ... triển khai, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn về phát triển bền vững, kinh tế số, năng lượng sạch… nhằm nắm bắt, tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến, cũng như tạo ra các diễn đàn khởi nghiệp cho thanh niên trong nước.

Tháng 12/2017 và tháng 6/2018, tại Hoa Kỳ và TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra 2 diễn đàn về khởi nghiệp và kết nối giữa trong và ngoài nước. Những diễn đàn này có tác dụng rất lớn, một mặt nhằm kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước với các cơ quan quản lý Nhà nước đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối cùng nhau phát triển. Ngoài ra còn rất nhiều diễn đàn, những hoạt động cụ thể do các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhằm huy động tốt nhất nguồn lực kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh về chuyến thăm Trường Sa, một hoạt động rất có ý nghĩa và thiết thực được tổ chức thường niên để đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuyến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn của kiều bào bắt đầu từ năm 2012. Trước hết, các chuyến thăm như vậy đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con kiều bào, những người sống xa quê hương muốn tận mắt chứng kiến sự thay đổi nơi tuyến đầu của đất nước, đó là quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK.

Thông qua những chuyến đi như vậy, kiều bào ta đã hiểu rõ hơn về quyết tâm và ý chí của quân và dân huyện đảo Trường Sa trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như được chứng kiến những sự thay đổi hết sức to lớn tại quần đảo Trường Sa, qua đó củng cố lòng tin, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước của bà con kiều bào, góp sức cùng đồng bào trong nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đây cũng là cơ hội để kiều bào ta ở rất nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ và giao lưu, đồng thời, có tác dụng rất lớn. Sau những chuyến thăm bà con kiều bào đã phát động rất nhiều hoạt động ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa, như việc các bạn sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc đã lập ra quỹ vì biển đảo quê hương, CLB Trường Sa của kiều bào ta ở Đức đã có những hoạt động rất thiết thực, cụ thể, đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; tích cực tuyên truyền trong cộng đồng kiều bào cũng như với bạn bè quốc tế về chủ quyền của chúng ta đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng như những quyết tâm, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc, bóp méo sự thật về quyết tâm của chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Ông Nghị cho biết, sau chuyến thăm quần đảo Trường Sa tháng 4/2018, bà con kiều bào đã tiếp tục có những hoạt động thiết thực như quyên góp để xây dựng nhà văn hóa đa năng tại quần đảo Trường Sa, quyên góp và đưa ra Trường Sa lương thực, thực phẩm để cải thiện bữa ăn cho các chiến sĩ… Những hoạt động đó đã góp phần thắt chặt thêm sự gắn bó giữa đồng bào trong và ngoài nước.

Đề cập đến công tác hòa hợp dân tộc đối với kiều bào, ông Nghị cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến hòa hợp dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, qua theo dõi đánh giá có thể thấy công tác này đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số kiều bào ta ở nhiều nơi có những ý kiến khác biệt hay định kiến đối với trong nước, thậm chí còn có bộ phận kiều bào vẫn tổ chức các hoạt động chống phá những thành quả ở trong nước. Mặc dù vậy, trong thời gian vừa qua Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan chức năng trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã làm rất nhiều việc để đẩy mạnh hòa hợp dân tộc, thực hiện tốt công tác đại đoàn kết dân tộc. Có thể kể đến những hoạt động rất ý như chương trình Xuân Quê hương được tổ chức hằng năm đã thu hút hàng ngàn kiều bào về nước tham dự, tổ chức trại hè cho thanh niên kiều bào để thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài được thực tế trải nghiệm cuộc sống, trau dồi những kiến thức về lịch sử, văn hóa của đất nước, dạy tiếng Việt cho con em kiều bào…

Nhiều biện pháp rất thiết thực, cụ thể đã được triển khai để đẩy mạnh công tác hòa hợp dân tộc, như dân sự hóa nghĩa trang ở Bình Dương, chính quyền địa phương cải tạo môi trường, tạo điều kiện cho thân nhân những người đã từng làm việc cho chế độ cũ về thăm viếng người thân… Chính những hoạt động thiết thực đó sẽ làm cho công tác hòa hợp dân tộc đạt được kết quả tốt hơn.

Hồng Nguyên-Tuấn Dũng (thực hiện)