Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội Vùng Trung Bộ vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng thực hiện chính sách phát huy vai trò đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho biết: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của người trí thức đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Người cho rằng: "Lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân... nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức".
Theo PGS.TS. Bùi Nhật Quang, trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ giai cấp công nhân và nông dân được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua, đội ngũ trí thức ở nước ta tăng đáng kể cả về chất lượng và số lượng. Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, chăm lo đào tạo đội ngũ trí thức.
Đội ngũ trí thức nước ta đã có vai trò quan trọng và tích cực trong việc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới, làm động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đội ngũ trí thức góp phần đưa Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới thì đến năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 409 tỷ USD và GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương hơn 4.100 USD và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài, đội ngũ trí thức vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc.
Trao đổi tại hội thảo, TS. Phạm Đi, Học viện Chính trị khu vực 3 cho hay, từ lý luận và thực tiễn đã chứng minh, trong cùng một điều kiện như nhau, người lãnh đạo nào càng có kỹ năng dùng người tốt thì hiệu quả đối với công việc và sự phát triển của tổ chức, đơn vị sẽ cao và bền vững hơn.
Trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị tuyển người qua hình thức phổ biến như thông báo tuyển dụng và thông qua tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định. Nhưng lại rất ít có những lãnh đạo chịu khó đứng ra săn đón người tài về với cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình. Thậm chí nhiều nơi xảy ra tình trạng khép 'kín', "lợi ích nhóm", biểu hiện cụ thể là tình trạng chạy chức, chạy quyền…Trong khi đó, ở các công ty, tập đoàn lớn khi thấy người tài đúng vị trí họ cần thì sẽ bằng mọi cách để săn đón về cho bằng được.
Dẫn câu nói Bác Hồ "Dụng nhân như dụng mộc", TS. Phạm Đi cho rằng cùng với tuyển dụng người tài thì phải biết sử dụng họ đúng với vị trí việc làm phù hợp, mới đem lại hiệu quả cao cho công việc. Là người tài giỏi nhưng không phù hợp với vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị thì họ sẽ không phát huy năng lực của mình.
Ngoài ra, để hút người tài giỏi về với mình, bản thân mỗi cơ quan, đơn vị phải có sức hút, sự hấp dẫn. Ở đây không chỉ là lương bổng, mà còn môi trường làm việc lý tưởng, sự tạo điều kiện, động viên khích lệ của người lãnh đạo. Có như vậy, họ mới cống hiến, hy sinh hết mình, trung thành gắn bó với cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Nói về nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của vùng, theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Trung Bộ, cần nâng cao đóng góp của vốn con người vào tăng trưởng kinh tế các địa phương thông qua phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tầm vùng. Thực tế hiện nay trình độ chuyên môn thấp của nguồn nhân lực hiện tại của các địa phương là 'rào cản' rất lớn đối với việc tiếp thu, sử dụng hiệu quả công nghệ, nhất là công nghệ mới, cản trở lớn trong việc thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI.
Vì vậy, Nhà nước cần tập trung nguồn nhân lực phát triển có trọng điểm 3 trường đại học quốc gia cho 3 vùng (Bắc, Trung và Nam), một vài trường đại học vùng trọng điểm nhằm cung ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng, tiểu vùng.
Còn theo TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trước cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức càng trở nên cấp thiết, trong đó cần chú trọng đầu tư tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo bởi đây là môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức cho sự phát triển của đất nước.
TS. Lê Đức Viên khuyến nghị các vấn đề như: Trung ương cần sớm ban hành chiến lược phát triển đội ngũ trí thức như mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra; xây dựng đội ngũ trí thức cần bảo đảm hài hòa giữa số lượng và chất lượng, trong đó các chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cần gắn với việc thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn phát triển của mỗi địa phương, của vùng, của đất nước.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các chuyên gia đầu ngành để tham gia các dự án, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải phát huy dân chủ, biết lắng nghe ý kiến của các tầng lớp trí thức, tin dùng và trọng dụng họ trong công việc, tạo điều kiện tối đa để trí thức làm việc, sáng tạo và cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Nhật Anh