![]() |
Những người phụ nữ khóc và lo lắng khi người thân nhiễm virus Ebola ở ngoại ô Monrovia, Liberia. |
Tờ L’Humanité của Pháp nhận định, chính sự nghèo khổ đã làm bùng phát dịch bệnh Ebola tại châu Phi và đang đe dọa cả thế giới.
Bày tay của nghèo đói
Bốn nước có dịch là những nước nghèo nhất trên thế giới. Quay trở lại năm 1976, khi dịch bệnh lần đầu tiên tấn công Sudan và Congo. Lúc đó các nhà khoa học còn chưa biết gì về virus Ebola và dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 280 người. Ngày nay, với sự nguy hiểm nhãn tiền, khoa học đã biết rằng sốt xuất huyết do virus Ebola là một bệnh lây truyền do tiếp xúc với máu, dịch sinh học của người nhiễm bệnh. Chúng ta có thể ngăn cản và chặn đứng sự lây lan bằng các biện pháp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, sự lan tràn của dịch năm 2014 như một cơn ác mộng vượt quá sức tưởng tượng của thế giới với con số tử vong tăng lên từng ngày. Mối lo ngại càng rõ ràng hơn khi chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và hiện chưa có vaccine dự phòng.
Vấn đề không phải chúng ta có đủ kiến thức hay các biện pháp y học để khống chế dịch hay không, mà nằm ở chỗ, dường như có sự "lãng quên" với hệ thống y tế của các nước nghèo, lạc hậu. Những nước xảy ra dịch là những nước nghèo nhất, với chi phí dành cho y tế thấp nhất. Năm 2014, dịch bệnh xảy ra tại Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leon đã cướp đi sinh mạng của gần 1.000 người dân, nơi hệ thống y tế còn nghèo nàn và lạc hậu, thiếu phương tiện bảo vệ cần thiết cho ngay cả những người làm công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Ông Pierre Mendiharat thuộc Tổ chức Y sĩ không biên giới (MSF) giải thích “đó là bởi vì chỉ có số lượng rất nhỏ người mắc bệnh Ebola, chưa đủ tạo thành thị trường cho các hãng dược phẩm tư nhân đổ tiền nghiên cứu”. Mỗi khi dập được dịch xong, không ai nghĩ đến việc đầu tư nghiên cứu điều trị hay vaccine nữa và cứ như thế, theo chuyên gia của MSF, những đợt dịch sắp tới sẽ còn bùng phát trở lại ở những nước nghèo.
Hãng dược phẩm lớn của Anh- GSK hiện vẫn còn trong quá trình nghiên cứu và vaccine phòng Ebola và có lẽ chỉ có thể có được sớm nhất vào năm 2015. Trong khi đó, mức độ lan tràn nguy hiểm của dịch Ebola đang đòi hỏi thế giới phải hành động gấp.
Một số yếu tố cũng góp phần làm cho thảm họa do virus Ebola trở nên nặng nề hơn bởi dịch xuất hiện ở Tây Phi. Các nhân viên y tế nơi đây có rất ít kinh nghiệm hoặc không được đào tạo thành thạo trong công tác phòng chống dịch, bảo vệ bản thân và chăm sóc bệnh nhân khi có dịch xảy ra. Thêm vào đó, những trang thiết bị bảo vệ cần thiết khi tiếp xúc với người bệnh cũng chưa được trang bị đầy đủ.
Theo ghi nhận của tạp chí y khoa danh tiếng Lancet, những vấn đề về nghi lễ tôn giáo cũng như sự thiếu hiểu biết là một trong những nguyên nhân quan trọng làm dịch bệnh bùng phát nặng nề trong những người dân. Vẫn còn đó những phong tục ma chay, mà ở đó người chết cần được tắm rửa sạch sẽ và được… hôn trước khi chôn.
Ngoài ra, nhận thức cũng là một vấn đề. Thiếu hiểu biết có thể dẫn tới những người bệnh không tìm đến thầy thuốc hoặc đến cơ sở y tế, thậm chí là còn né tránh. Một lý do quan trọng khác là việc tiếp xúc với thi thể nạn nhân trước lễ tang hoặc trong quá trình chôn cất mà không có biện pháp bảo vệ là nguyên nhân khiến dịch lan rộng.
Một số người dân địa phương cho rằng những nhân viên y tế là người mang đến căn bệnh Ebola, họ còn mang cả dao và những vật sắc nhọn… Bởi vậy xe ô tô của nhân viên y tế đôi khi bị bởi bao vây bởi những người dân địa phương với thái độ thù địch và không hợp tác. Ở Sierra Leone, sự biểu tình, phản đối chống lại nhân viên y tế của người dân địa phương đã khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay. Theo Tổ chức Y tế thế giới, vấn đề này cũng gặp phải tại Liberia.
Ebola tiếp sức cho... nạn đói
Trong khi các quốc gia Tây Phi đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch chết người Ebola thì các biện pháp cách ly nhằm kiểm soát đại dịch này, một cách không mong muốn, lại đang làm xáo trộn cuộc sống của người dân, từ việc đi lại bị đảo lộn cho đến thiếu thực phẩm và giá cả tăng cao.
Trong một nỗ lực để ngăn chặn đại dịch đã làm gần 1.000 người thiệt mạng trên khắp Tây Phi, Chính phủ Liberia đã cách ly các tỉnh phía Bắc, nơi chịu ảnh hưởng của dịch nặng nề nhất. Họ phong tỏa lối vào các khu vực này bằng rào chắn quân sự và ban lệnh hạn chế người dân di chuyển. Vì vậy, các thương nhân không thể đi lại để nhập thực phẩm, nông dân không thể thu hoạch cây trồng, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng và làm giá cả các mặt hàng tăng vọt.
"Chúng tôi đồng ý rằng các biện pháp kiểm soát virus phải được thực hiện, nhưng trong khi đó, chúng tôi không cần phải chết đói", Miatta Sharif, một người sống tại Bopolu cho biết. "Các phòng khám đã đóng cửa, nếu không có thức ăn thì làm sao chúng tôi có thể sống sót? Các nạn nhân thiệt mạng do nạn đói sẽ còn nhiều hơn do Ebola", bà nói thêm.
Các nhà chức trách địa phương tại quận Kenema, phía Đông Sierra Leone, nơi đang áp dụng lệnh cách ly nghiêm ngặt, đã ra lệnh phạt nặng những trường hợp không báo cáo về các ca nhiễm Ebola.
Ngoài ra, khoảng 1.500 binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai để thắt chặt việc cách ly, giám sát người qua lại tại các chốt kiểm tra trong khi các nhân viên y tế tiếp tục tìm kiếm những người có khả năng đã nhiễm loại virus tử thần này. Theo cảnh sát địa phương, “chỉ có các quan chức cấp cao và bưu kiện thực phẩm mới được cho phép đi qua sau khi được kiểm tra kĩ lưỡng”.
Trong khi đó, ông Joseph Kelfalah, thị trưởng của quận trên, cho biết dù các cơ quan chức năng vẫn cố xử lý nhưng giá thực phẩm “đang tăng vọt”.
An Bình