In bài viết

Thứ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm việc với UBND tỉnh

Chiều ngày 10/2/2012, tại Văn phòng UBND tỉnh, Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở ngành liên quan. Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn.

11/02/2012 13:30

Tại buổi làm việc, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, đồng chí Võ Phi Hùng - Giám đốc Sở Công Thương báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2011. Báo cáo cho biết, năm 2011, ngành Công Thương của tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt khó khăn, ổn định SXKD. Các chỉ tiêu về công nghiệp và thương mại có mức tăng trưởng cao so với năm trước. Hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân; không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng giả tạo; ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh trái pháp luật. Tình hình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh ổn định, đảm bảo phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của tỉnh đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2010; tổng mức bán lẽ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 17.700 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2010; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 380 triệu USD, tăng 47,7% so với năm 2010; tổng kim ngạch nhập khẩu đath 253,15 triệu USD, tăng 21,56%.

Năm 2012, ngành Công Thương tỉnh phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp là 9.100 tỷ đồng, tăng 14,5%; tổng mức bán lẽ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 21.247 tỷ đồng, tăng 20%; chỉ số giá các mặt hàng thiết yếu dự kiến tăng dưới 10%; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD; nhập khẩu đạt 290 triệu USD.

Tuy nhiên, việc phát triển của ngành Công Thương ở Thừa Thiên Huế cũng gặp phải một số khó khăn nhất định do ảnh hưởng lạm phát năm 2011, việc tiếp cận vay vốn của các doanh nghiệp khó khăn trong lúc lãi suất ngân hàng cao; một số doanh nghiệp sản xuât kinh doanh đạt hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của sản phẩm còn hạn chế; công tác thu hút vốn đầu tư vào các Khu công nghiệp diễn ra chậm; chi phí sản xuất hàng hóa tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khan hiếm; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng khoáng sản, nông lâm, thủy sản, dệt may...

Từ những thực tế của ngành Công Thương tỉnh, đồng chí Phan Ngọc Thọ đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ, giúp đỡ Thừa Thiên Huế một số chương trình dự án của ngành để Thừa Thiên Huế phát triển mạnh ngành Công Thương; có kế hoạch khởi động dự án Trung tâm khuyến công KV miền Trung-Tây Nguyên tại Huế; phê duyệt đưa Hội chợ thương mại quốc tế định kỳ 2 năm 1 lần trong dịp Festival Huế vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ tỉnh thực hiện thí điểm xã đầu tư lưới điện nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đầu tư nước nóng năng lượng mặt trời cho hộ làm bún tại thôn Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà. Đồng thời đề nghị Bộ Công thương cho xây dựng đơn vị nghiên cứu sâu của ngành tại Huế và chỉ đạo nâng cấp, phát triển trường Cao đẳng Công nghiệp Huế thành trường Đại học trong thời gian sớm nhất...

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh (đứng) kết luận tại buổi làm việc

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao kết quả phát triển ngành Công Thương Thừa Thiên Huế trong năm 2011 với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch trong điều kiện phải đối diện với khó khăn chung; đồng thời nhất trí cao với kế hoạch phát triển của ngành Công Thương trong năm 2012 của tỉnh và ghi nhận những đề xuất của tỉnh để báo cáo với lãnh đạo Bộ và chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp triển khai thực hiện. Thứ trưởng cho rằng đối với Thừa Thiên Huế không phải phát triển công nghiệp bằng mọi giá mà cần có sự lựa chọn cân đối các lợi ích vốn có của địa phương, vì vậy chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh là cần làm tốt công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch. Trong đó, cần thực hiện các điều kiện thuận lợi phục vụ cho việc đầu tư phát triển công nghiệp như đầu tư hạ tầng, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, có cơ cấu lao động hợp lý và đặc biệt là cần tạo sự liên kết vùng và tạo vùng sản xuất và tiệu thụ sản phẩm công nghiệp. Đối với hoạt động thượng mại cần quan tâm các hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp xúc tiến đầu tư công nghiệp; chú trọng phát triển thương mại điện tử...