In bài viết

Thứ trưởng GTVT đến hiện trường chỉ đạo 'giải cứu' Ga Lâm Giang

(Chinhphu.vn) – C ả đường bộ và đường sắt Ga Lâm Giang, Yên Bái đều ách tắc với đống sạt lở cao tới gần chục mét, kéo dài theo tuyến khoảng 150 mét... Ngành đường sắt đã tập trung nhân lực, máy móc, chạy đua với thời gian thi công 3 ca liên tục để cố gắng thông đường trong thời gian sớm nhất. Chiều 10/10, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đã đến hiện trường, chỉ đạo khắc phục hậu quả.

10/10/2017 18:50


Do mưa kéo dài nhiều ngày qua, đến khoảng 19h30 ngày 9/10, đất đá trên ta luy dương ở khu vực ghi phía nam ga Lâm Giang sạt xuống, gây ách tắc giao thông cả đường bộ và đường sắt qua địa bàn. 

Đất đá từ taluy sạt xuống đoạn km 8 tuyến tỉnh lộ 164 chạy song song đường sắt sau đó tràn sang đường sắt đoạn thuộc lý trình đường sắt từ km 209 900 đến 210 100.

Cả đường bộ và đường sắt đều ách tắc với đống sạt lở cao tới gần chục mét, kéo dài theo tuyến khoảng 150 mét, rộng chừng 50 mét. Chưa có thông tin thiệt hại về người, song đã có 7 toa xe chở hàng (toa đĩa) nằm trong khu vực Ga Lâm Giang bị vùi lấp hoặc bị đẩy ra khỏi đường ray, hư hỏng nặng.

* Sáng 10/10, báo Giao thông dẫn lời ông Bùi Danh Tú, Phó Giám đốc Sở GTVT Yên Bái cho biết: Khối lượng đất đá bị sạt ước tính khoảng  70.000m³. Sáng 10/10, ngành GTVT Yên Bái đã huy động 4 máy xúc, 10 xe tải tiến hành hót dọn khối lượng đất đá bị sạt, thi công tại 2 đầu tuyến. 

"Đồng thời, tập trung phối hợp với các lực lượng bên ngành Đường sắt để khẩn trương khắc phục cả 2 tuyến đường bộ và đường sắt. Do khối lượng đất đá sạt lớn, mặt bằng thi công khó do đường hẹp chỉ được 1 xe tải vào vận chuyển 1 lần. Hiện, tôi cùng các lực lượng đang có măt tại hiện trường để đánh giá khối lượng sạt đồng thời lên các phương án khắc phục cụ thể và dự tính thời gian khắc phục", ông Dự cho biết thêm.

* Theo Tổng công ty Đường sắt VN, phía bên phải lý trình đường sắt (taluy dương), đất từ trên núi cao sụt trượt tràn qua đường bộ xuống đường sắt, lấp kín cả 3 đường ga. Sạt lở khiến 3 đường ga bị biến dạng, đường ga số 3 bị dịch chuyển ngang khoảng 3m (tại vị trí sát khối sụt) trên phạm vi 130m...

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đới Sỹ Hưng cho biết, ngay từ đêm qua đã điều 10 máy xúc đến vị trí sạt lở và tiến hành luôn việc giải tỏa đất đá. Dự kiến, sẽ điều thêm 2 máy ủi. Tuy nhiên, do vị trí này có địa hình khó khăn, một bên là núi, một bên là sông, mặt bằng chật hẹp, có điều thêm máy móc cũng không có địa bàn để thực hiện.

“Chúng tôi đã điều quân và máy móc tập trung làm 3 ca liên tục cả ngày lẫn đêm. Nhưng do khó khăn về mặt bằng như vậy nên cố gắng cũng phải mất 4-5 ngày mới thông đường”, ông Hưng nói.

* Chiều 10/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT trực tiếp tới hiện trường sạt lở để chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Tại hiện trường, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao nỗ lực khắc phục sự cố của Sở GTVT Yên Bái và ngành đường sắt sau khi sự cố xảy ra.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo đơn vị tư vấn đường sắt chịu trách nhiệm chính phối hợp cùng tư vấn của sở GTVT Yên Bái nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ xử lý bước 1 và gửi về Bộ trong thời gian sớm nhất để có phương án chuẩn bị kinh phí hỗ trợ khắc phục.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu ngành đường sắt và Sở GTVT Yên Bái phải cùng nhau phối hợp để khắc phục sự cố sạt lở này do 2 tuyến đường bộ và đường sắt chạy song song nhau cùng chịu ảnh hưởng.

Thứ trưởng cũng yêu cầu: "Bộ phận tư vấn cần khẩn trương đưa máy lên phía trên quả đồi để kiểm tra vết sụt trượt, cắt cơ và hạ tải đất trên đồi. Khi cắt cơ vào sát trong quả đồi có thể dùng rọ thép để tạo tường đá vững chắc nhằm đảm bảo an toàn cho cả 2 tuyến đường bộ và đường sắt tại đây".

“Ngành đường sắt và Sở GTVT Yên Bái cần huy động thêm phương tiện, đặc biệt là máy ủi để khẩn trương thi công vị trí sạt sụt. Khi thi công xong phải chú trọng thông tuyến đường bộ sau đó, khắc phục tuyến đường sắt”, Thứ trưởng nhấn mạnh

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý đơn vị thi công cần chú ý đảm bảo an toàn, khi thấy trời mưa nặng hạt cần dừng ngay và di chuyển ra ngoài, tránh tình huống xấu xảy ra.