Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại TPHCM |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký quyết định số 2910/QĐ- BYT Thành lập Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch COVID-19 (lần 2) tại TPHCM.
Theo quyết đinh này, Bộ trưởng Bộ Y tế phân công PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế là Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 (lần 2) tại TPHCM
3 đồng chí là Phó Trưởng Bộ phận Thường trực gồm:
- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức, chịu trách nhiệm công tác điều trị;
- Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Phan Trọng Lân, chịu trách nhiệm công tác điều tra, giám sát dịch và công tác xét nghiệm;
- Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TPHCM Đặng Văn Chính, chịu trách nhiệm về công tác cách ly y tế và xử lý môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế còn có 6 thành viên khác;
Theo quyết định của Bộ Y tế, Bộ phận Thường trực đặc biệt có nhiệm vụ chung hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch; điều trị bệnh nhân; xét nghiệm; tổ chức cách ly; công tác truyền thông trên địa bàn TPHCM, các địa phương lân cận có liên quan;
Kiểm tra, hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Trưởng Bộ phận tham gia các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM.
Nhiệm vụ cụ thể của Bộ phận Thường trực như sau:
Thứ nhất, về hoạt động điều tra, giám sát dịch: Hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, quản lý số liệu, truy vết, khoanh vùng ổ dịch, xử lý ổ dịch tại cộng đồng.
Thứ hai, về công tác xét nghiệm: Hỗ trợ, hướng dẫn địa phương việc tổ chức triển khai các hoạt động lấy mẫu; hướng dẫn thực hiện xét nghiệm và áp dụng các loại xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm phù hợp; hướng dẫn đảm bảo an toàn sinh học và quản lý số liệu xét nghiệm. Điều phối các đơn vị xét nghiệm có liên quan đảm bảo có kết quả nhanh, chính xác.
Thứ ba, về tổ chức thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế: Hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các hoạt động cách ly; phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở cách ly; xử lý môi trường trong khu cách ly; phòng chống dịch, xử lý dịch trong khu cách ly, khu công nghiệp, công sở, trường học, khu vực công cộng.
Thứ tư, về công tác điều trị: Hỗ trợ, hướng dẫn địa phương thành lập các bệnh viện dã chiến; công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân; tổ chức khám, sàng lọc, phân loại, thu dung bệnh nhân; triển khai các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn, xử lý ổ dịch trong các cơ sở điều trị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác khám chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế.
Thứ năm, về hoạt động truyền thông: Đưa tin, hỗ trợ trong công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM, các địa phương lân cận; tuyên truyền, khuyến cáo người dân tự phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khẩu trang đúng cách, thực nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Các Thành viên Bộ phận làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Đồng chí Trưởng Bộ phận được dùng quyền của Bộ trưởng để điều động, huy động về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch tại TPHCM.
Các thành viên tuân thủ theo sự chỉ đạo, điều hành của Trưởng Bộ phận.
Bộ Y tế đề nghị TPHCM chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện phối hợp chặt chẽ và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn của bộ phận thường trực; đồng thời chỉ đạo Sở Y tế TPHCM chủ trì, phối hợp với Đại diện Văn phòng Bộ Y tế tại TPHCM và các đơn vị liên quan để bố trí ăn, nghỉ; đảm bảo các điều kiện làm việc cho bộ phận thường trực thực hiện nhiệm vụ.