In bài viết

Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh tiếp Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Nam Á và ông Suzuki, phụ trách vấn đề ODA thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

(MPI Portal) - Ngày 03/02/2012, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã có buổi tiếp ông Hekinus Manao, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Nam Á; Ông Suzuki, phụ trách vấn đề ODA thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

04/02/2012 09:55

Thứ trưởng Cao Viết Sinh tiếp ông Hekinus Manao – Giám đốc điều hành WB phụ trách khu vực Đông Nam Á.

Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và WB. Trước những tác động tiêu cực của của nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã nỗ lực thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 với trọng tâm là tái cấu trúc nền kinh tế mà cụ thể là tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và thể chế tài chính. Trong quá trình phát triển, Việt Nam luôn cần tham vấn các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ như về cách thức quản lý kinh tế vĩ mô, đồng thời tiếp thu những kinh nghiệm được chia sẻ của các quốc gia đi trước nhằm mục tiêu giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn. Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được cho đến ngày hôm nay không thể không kể đến những sự hỗ trợ quý báu từ phía WB. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm kể cả trong những những giai đoạn kinh tế khó khăn vào những năm 2009, 2011. Ngoài lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cũng chăm lo thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc và dự kiến đến năm 2015 là hoàn thành. Việt Nam cũng đang trong quá trình cải cách thể chế kinh tế thị trường để hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế.

Ông Hekinus Manao – Giám đốc điều hành WB phụ trách khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Chia sẻ về mục tiêu của chuyến thăm lần này tới Việt Nam, ông Manao cho biết, với cương vị mới là Giám đốc điều hành WB phụ trách khu vực Đông Nam Á ông cần cập nhật những thông tin cơ bản về tình hình phát triển của Việt Nam nhằm góp phần định hướng cho WB trong quá trình hợp tác hỗ trợ Việt Nam. Thảo luận về mối quan hệ hợp tác giữa WB và Chính phủ Việt Nam, ông Manao nhấn mạnh đến những mối quan tâm của WB tập trung chủ yếu đến các vấn đề phát triển xã hội, giảm nghèo, bất bình đẳng trong xã hội và cơ sở hạ tầng… Theo ông Manao, Việt Nam đã thực hiện giảm nghèo rất tốt (từ 40-50% giảm xuống còn 15%). Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan ngại về sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam và thêm nữa là năng lực của Chính phủ trong việc giải ngân các dự án từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Kinh phí hỗ trợ cho Việt Nam ngày càng tăng cao, tuy nhiên tốc độ giải ngân còn chậm (5,7 tỷ vốn dự án chưa được giải ngân đối với các dự án do WB tài trợ). Ông Manao nhấn mạnh đến vị trí của WB trong quá trình hợp tác với Việt Nam nhằm giúp Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình bền vững dựa trên những định hướng mục tiêu tổng thể của Chính phủ Việt Nam.
Về những lo ngại của Giám đốc điều hành WB phụ trách khu vực Đông Nam Á, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh cho rằng, lo ngại của WB về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam cũng tương đồng với mối lo của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo của Việt Nam tuy không phải là thấp nhưng tốc độ gia tăng tỷ lệ này còn chậm (năm 2004 chênh lệch 8,4 lần, năm 2010 chênh lệch 9 lần). Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy quá trình phát triển nông thôn với Chương trình nông thôn mới, mục tiêu đến năm 2015 có 20% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Trong đó, Chính phủ Việt Nam cũng dành nhiều quan tâm hơn tới đồng bào dân tộc thiểu số là nhóm chịu nhiều thiệt thòi.
Về vấn đề giải ngân dự án, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết trong những năm vừa qua tốc độ giải ngân của Việt Nam tương đối tốt, năm 2011 do một số dự án gặp khó khăn trong quá trình thực hiện gây ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân. Thứ trưởng cũng cho biết thêm năm 2012 được coi là năm giải ngân ODA và các nhà tài trợ có thể hy vọng những tiến triển tốt đẹp về vấn đề giải ngân trong năm này. Đồng thời với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân là quá trình chuẩn bị tốt hơn cho dự án. Theo đánh giá của nhiều tổ chức tư vấn độc lập và các nhà tài trợ, hiệu quả sử dụng ODA của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia khác. Thứ trưởng cũng đưa ra cam kết rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thúc đẩy tốt hơn nữa tiến trình giải ngân các dự án trong thời gian tới.
Cùng bàn về mô hình đối tác công tư (PPP), ông Manao nhận định rằng đây là một hình thức hay nhưng không dễ thực hiện. Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết trong điều kiện Việt Nam cần nguồn lực lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế thì hình thức này huy động nguồn lực hiệu quả cho mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Từ tháng 11/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71 về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP và vẫn đang trong quá trình học hỏi kinh nghiệm từ những nước đi trước mà tiêu biểu là Ấn Độ. Trong thời gian tới, hình thức này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả cao nhất, đem lại lợi ích cho cả khối tư nhân và nhà nước cũng như đảm bảo mục tiêu phát triển.
Kết thúc buổi gặp, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh hy vọng rằng trong tương lai WB sẽ tiếp tục hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cùng ngày, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cũng đã làm việc với ông Suzuki, Bộ Ngoại giao Nhật Bản chuyên phụ trách vấn đề ODA.

Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh tiếp ông Suzuki, phụ trách vấn đề ODA thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal).

Nhật Bản là một trong những quốc gia hỗ trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Hỗ trợ ODA của Nhật Bản đã giúp Việt Nam vượt qua được những khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Dù trong thời gian vừa qua, Nhật Bản đã gặp phải những khó khăn do thiên tai, tuy nhiên mức hỗ trợ ODA cho Việt Nam không những không giảm mà còn có xu hướng tăng. Hiện Việt Nam đang triển khai nhiều dự án từ nguồn hỗ trợ ODA của Nhật Bản như dự án Khu công nghiệp cao Láng Hòa Lạc hay dự án Cảng nước sâu Lạch Huyện, Hài Phòng (theo hình thức PPP), v.v…

Ông Suzuki, phụ trách vấn đề ODA thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal).

Tại buổi tiếp, ông Suzuki nhận định rằng Việt Nam là một trong những nước sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Cũng nhân buổi làm việc, ông đã nêu lên các trọng tâm hỗ trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam. Trước tiên là đầu tư về cơ sở hạ tầng, trước nhất là hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, sau đó là hướng đến sự liên kết cho khu vực ASEAN. Trọng tâm thứ hai của hỗ trợ ODA Nhật Bản là mục tiêu phát triển xanh. Ông cho biết ngành công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản có công nghệ rất ưu việt và Việt Nam có thể phần nào học hỏi và áp dụng được cho quốc gia mình. Một vấn đề nữa mà Nhật Bản quan tâm là phòng chống thiên tai. Nhật Bản là một quốc gia thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của những đợt thiên tai, thảm họa, cũng từ đó mà ý thức về việc phòng chống tác động của các thảm họa thiên nhiên, giảm thiệt hại cho quốc gia đã được hình thành. Do đó Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang xem xét để có những biện pháp kết hợp với Liên Hợp Quốc nhằm mục tiêu phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng hy vọng rằng Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đặc biệt về ngành công nghiệp phụ trợ.
Tán thành với ý kiến của ông Suzuki, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất sẵn sàng ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam, có thể xây dựng những khu công nghiệp riêng cho các doanh nghiệp này nếu cần thiết. Ngoài ra, Thứ trưởng đồng tình với sáng kiến của phía Nhật Bản đưa thêm mục tiêu phòng chống thiên tai vào các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc./.