Bộ VHTTDL khẳng định, việc cấm ca khúc Màu hoa đỏ tại Tiền Giang là tùy tiện và không đúng quy định |
Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, dù phụ trách lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhưng ông chưa nhận được được báo cáo về việc này. Tuy nhiên, qua báo chí, ông đã tìm hiểu vụ việc và khẳng định, việc Sở VHTT&DL Tiền Giang cấm ca khúc Màu hoa đỏ là không đúng.
“Nếu lỗi do băng đĩa đó đưa hình ảnh không phù hợp với ca khúc thì xử lý kỹ thuật và băng đĩa đó, chứ không phải là xử lý ca khúc. Sai ở đâu thì xử lý ở đấy, chứ không phải vì hình cảnh sai mà cấm ca khúc. Việc cấm ca khúc Màu hoa đỏ là cách làm tùy tiện, không đúng của địa phương”, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng khẳng định: “Việc quản lý phải thống nhất trong toàn quốc, tất cả các địa phương thống nhất chứ không riêng ở địa phương nào. Quản lý là để lĩnh vực ấy phát triển tốt đẹp, chứ không phải cái gì không quản được là cấm”.
Với 5 ca khúc bị tạm dừng lưu hành vừa qua (Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, Con đường xưa em đi), Bộ VHTT&DL cũng sẽ thu thập thông tin, sửa lại đúng lời, đúng tên tác giả để tiếp tục lưu hành, chứ không phải là cấm lưu hành.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng cho rằng, không nên suy diễn thành vấn đề chính trị: “Có người lính ra đi từ đó không về”- đó là sự thật của cuộc kháng chiến. Giá trị của ca khúc đã được khẳng định bằng sức sống trong lòng khán giả và các giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng.
Theo Thứ trưởng, Bộ VHTT&DL sẽ chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn xem xét báo cáo về Bộ hướng xử lý vụ việc.
Trước đó, nhạc phẩm Màu hoa đỏ của cố Đại tá, nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1991 (phổ thơ Nguyễn Đức Mậu) bất ngờ có tên trong danh sách 354 bài hát không được phép lưu hành và phổ biến tại Tiền Giang.
Đây là ca khúc nổi tiếng nói về thời chiến tranh bom đạn ác liệt và từng được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng vào năm 1994. Trong danh sách cấm ghi rõ ca khúc Màu hoa đỏ là nhạc đỏ. Lý do cấm hát bài hát Màu hoa đỏ là do hiện nay ở các điểm kinh doanh karaoke nhạc phẩm này có phần hình ảnh chưa phù hợp với nội dung.
Tuy nhiên câu trả lời này được cho là không thỏa đáng và gây xôn xao dư luận. Trên thực tế hiện nay, phần lớn những ca khúc được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke từ trước tới nay đều do chủ cơ sở mua lại từ các công ty sản xuất băng đĩa.
Hơn nữa sự chưa phù hợp mà lãnh đạo Sở VHTT&DL Tiền Giang nhắc đến (nếu có) cũng không thể là lý do để cấm lưu hành và phổ biến một sáng tác nhạc cách mạng từng giành giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng (1994) như Màu hoa đỏ. Ca khúc này cũng từng được trình diễn trong chương trình Giai điệu tự hào (2015) tôn vinh các bài ca đi cùng năm tháng, phát trên sóng Đài truyền hình quốc gia VTV.
Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa có công văn 199/NTBD-QLBD ngày 24/3/2017 gửi Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang. Văn bản nêu rõ: Theo thông tin phản ánh của các cơ quan truyền thông, ngày 7/2/2017, Sở VHTT&DL Tiền Giang đã ban hành công văn số 120/SVHTTDL-TTr đề nghị phòng văn hóa, thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý, yêu cầu trong thời gian 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát được cấp phép phê duyệt nội dung kèm theo danh mục 354 bài hát, trong đó có bài hát Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1991 phổ thơ Nguyễn Đức Mậu. Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang khẩn trương báo cáo về việc này kèm theo các văn bản liên quan về Cục Nghệ thuật biểu diễn trước ngày 26/3/2017 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng. |