In bài viết

Thủ tục báo giảm BHXH khi người lao động nghỉ việc

(Chinhphu.vn) - Trách nhiệm của người sử dụng lao động là phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

23/04/2019 08:02

Nếu đơn vị nộp hồ sơ báo giảm sau ngày 1 của tháng thì phải đóng BHYT của tháng đó và các tháng báo giảm chậm, thẻ BHYT chỉ dùng hết tháng báo giảm

Ngày 8/3/2019, bà Lê Thị Dịu (TP. Hà Nội) nghỉ việc và báo công ty cắt giảm BHXH. Công ty ngay sau đó đã báo giảm lao động và cơ quan BHXH đã gửi thông báo về việc này.

Trong khi Công ty bà Dịu cũng chưa kịp gửi BHYT và sổ BHXH tới cơ quan BHXH trực thuộc thì nay bà Dịu quay lại làm việc tại Công ty và muốn báo tăng lại lao động. Hiện Công ty bà đã hoàn thành đóng BHXH của tháng 3/2019 và không nợ BHXH. Bà Dịu hỏi, có cách nào để giảm thiểu việc chốt sổ rồi lại báo tăng không?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội trả lời như sau:

Khi lao động nghỉ việc, công ty đã thực hiện việc báo giảm là đúng theo quy định. Căn cứ Điểm 2.4 Khoản 2 Phần II Mục A công văn 1644/BHXH-QLT ngày 7/7/2017 của BHXH thành phố Hà Nội quy định về giá trị thẻ BHYT khi đơn vị báo giảm lao động. Theo đó nếu đơn vị nộp hồ sơ báo giảm sau ngày 1 của tháng thì phải đóng BHYT của tháng đó và các tháng báo giảm chậm, thẻ BHYT chỉ dùng hết tháng báo giảm.

Do đó việc báo tăng lại lao động sau khi báo giảm là cần thiết cho việc cấp thẻ BHYT giá trị nối tiếp của người lao động.

Lao động nghỉ việc thì căn cứ Khoản 5 Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/ QH13 ngày 20/11/2014 về việc: Trách nhiệm của người sử dụng lao động là phối hợp với cơ quan BHXJ trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Đề nghị đơn vị quản lý người lao động liên hệ với cơ quan BHXH nơi quản lý để được xử lý khi lao động quay lại đơn vị cũ làm việc.

Chinhphu.vn