Công ty TNHH MTV Đóng tàu THP muốn đầu tư tàu câu cá giải trí và vận chuyển khách du lịch có sức chở dưới 12 người, máy dưới 135hp, sử dụng thuyền viên có bằng cấp theo quy định, hoạt động ven bờ từ Lăng Cô - Phú Lộc đến Quảng Ngãi.
Công ty hỏi, Công ty phải đăng ký ở đâu, Bộ Giao thông vận tải hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền cấp đăng ký? Nếu đăng ký ở đăng kiểm giao thông vận tải thì đăng ký SI được không? Nếu được thì hoạt động từ vùng biển nào, Lăng Cô, vịnh Đà Nẵng, vịnh Cù Lao Chàm, Tam Hải, Quảng Nam hay tất cả?
Ngoài ra, Công ty muốn sản xuất nhà phao chống lũ neo cố định sát bờ và không sử dụng máy đẩy để di chuyển, phục vụ cho đồng bào ở Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung thấp lụt được neo cố định chỉ nổi theo mực nước lên xuống. Tuy nhiên Công ty không biết đăng ký duyệt thiết kế ở đâu, cơ quan thuộc Bộ Xây dựng hay Bộ Giao thông vận tải? Việc đăng ký học và cấp bằng lái mô tô nước, dù lượn do cơ quan nào? Bằng gì thì điều khiển lái được các dịch vụ trên phục vụ du khách du lịch?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Hoạt động tàu câu giải trí và du lịch
Trong nội dung kiến nghị, Công ty TNHH MTV Đóng tàu THP chưa nêu rõ loại phương tiện dự định đưa vào hoạt động phục vụ câu giải trí và du lịch là tàu biển, phương tiện thủy nội địa hay phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước. Do vậy, đối với từng trường hợp sẽ phải áp dụng theo các quy định pháp luật khác nhau, cụ thể:
- Trường hợp phương tiện là phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước: Phải áp dụng quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước. Theo đó, Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 48/2019/NĐ-CP quy định: “Phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 05 người và hoạt động trong vùng hoạt động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố”.
Như vậy, tàu câu giải trí và du lịch sức chở không quá 5 người và sử dụng vào mục đích vui chơi, giải trí dưới nước thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 48/2019/NĐ-CP, thực hiện đăng kiểm phương tiện theo quy định tại Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Phương tiện chỉ được hoạt động tại vùng có ranh giới an toàn quy định tại Khoản 3.15 Điều 3 Mục 1 Quy chuẩn Việt Nam QCVN 50:2012/BGTVT và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố theo quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP.
- Trường hợp tàu câu giải trí và du lịch của Công ty TNHH MTV Đóng tàu THP đăng ký theo phân cấp tàu biển, thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 17/12/2016 của Chính phủ quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển tại cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam.
- Trường hợp đăng ký phương tiện mang cấp VR-SB, vùng hoạt động của phương tiện trên tuyến vận tải ven biển cách bờ không quá 12 hải lý, thì thực hiện đăng ký theo quy định tại Thông tư số 74/2014/TT-BGTVT ngày 19/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa.
Trường hợp tàu câu giải trí và du lịch và phương tiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa thì thuộc diện đăng kiểm. Phương tiện loại này phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (sửa đổi lần 2: 2018 QCVN 72: 2013/BGTVT) hoặc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm giám sát và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ (QCVN 25: 2015/BGTVT). Việc đăng kiểm thực hiện theo Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Trường hợp tàu câu giải trí và du lịch là phương tiện quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa thì không phải đăng kiểm. Phương tiện loại này phải đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Về vùng hoạt động của tàu, vùng hoạt động của tàu được quy định tại Phụ lục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (sửa đổi 1: 2015 QCVN 72: 2013/BGTVT). Đối với các vùng hoạt động cụ thể như kiến nghị của Công ty TNHH MTV Đóng tàu THP, theo quy định hiện hành, vịnh Đà Nẵng và vùng từ cảng Kỳ Hà vào trong sông thuộc xã đảo Tam Hải, Quảng Nam thuộc vùng SI, các vùng còn lại thuộc vùng SB.
Về kiến nghị liên quan đến nhà phao chống lũ, theo quy định, công tác đăng ký duyệt thiết kế phương tiện thiết bị giao thông vận tải thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Vì vậy, trường hợp nhà phap chống lũ như kiến nghị của Công ty TNHH MTV Đóng tàu THP được xếp vào phương tiện thiết bị giao thông thì Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan thẩm định và phê duyệt thiết bị. Đề nghị Công ty TNHH MTV Đóng tàu THP liên lạc, trao đổi trực tiếp với Cục Đăng kiểm Việt Nam để làm rõ vấn đề nêu trên.
Đăng ký học và cấp bằng lái mô tô nước, dù lượn
Việc học và cấp bằng lái mô tô nước được quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP như sau:
- Về điều kiện đối với người lái khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 48/2019/NĐ-CP:
“a) Người lái phương tiện hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải đủ 15 tuổi trở lên, đảm bảo về sức khỏe;
b) Người lái phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 05 sức ngựa phải có giấy chứng nhận lái phương tiện theo quy định;
c) Người lái phương tiện phải mặc áo phao trong suốt thời gian tham gia hoạt động vui chơi, giải trí;
d) Người lái phương tiện không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phải được hướng dẫn về kỹ năng an toàn do tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tổ chức trước khi điều khiển phương tiện hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước”.
- Cơ quan cấp giấy chứng nhận lái phương tiện quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 48/2019/NĐ-CP: “Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan xây dựng nội dung, chương trình tập huấn và cấp giấy chứng nhận lái phương tiện; nội dung hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước”.
Đối với môn dù lượn được quy định tại Điều 7 Thông tư số 06/2018/TT-BVHTTDL ngày 30/1/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Dù lượn và môn Diều bay như sau:
“1. Tổng cục Thể dục thể thao, Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về Dù lượn và Diều bay cấp quốc gia hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Dù lượn và môn Diều bay.
2. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình và thời gian tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Dù lượn và môn Diều bay trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.
3. Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Dù lượn và môn Diều bay do cơ quan tổ chức tập huấn cấp. Mẫu giấy chứng nhận được quy định tại Phục lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này”.
Chinhphu.vn