Bố của ông Bì Văn Thao (tỉnh Hưng Yên) đang sử dụng thẻ BHYT do BHXH Bộ Quốc phòng cấp, được BHYT chi trả 80% chi phí. Bố của ông đã tham gia BHYT 5 năm liên tục. Hiện nay bố ông phải lọc máu theo chu kỳ, chi phí chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Ông Thao hỏi, bố ông cần thực hiện những thủ tục gì để được BHYT thanh toán viện phí 100%?
Về vấn đề này, BHXH Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHYT; Điểm e, Khoản 1, Điều 22 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC và Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của BHXH Việt Nam ban hành Quy định về tổ chức thực hiện BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh; đối tượng có thẻ BHYT do BHXH Bộ Quốc phòng phát hành, để được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh thì người có thẻ BHYT nếu đủ điều kiện miễn cùng chi trả phải có giấy chứng nhận miễn cùng chi trả trong năm theo mẫu 05/BHYTdo BHXH Việt Nam quy định.
Thủ tục để được cấp giấy miễn cùng chi trả bao gồm:
- Đơn đề nghị của người bệnh. Nếu người bệnh không trực tiếp làm đơn thì người đề nghị phải ghi rõ họ tên và mối quan hệ với người bệnh, đồng thời trình giấy tờ tùy thân có ảnh photo để đối chiếu.
- Thẻ BHYT kèm giấy tờ tùy thân có ảnh của người bệnh (bản photo).
- Sổ khám bệnh hoặc đơn thuốc nếu điều trị ngoại trú.
- Giấy ra viện nếu điều trị nội trú (bản photo).
- Biên lai thu tiền viện phí cùng chi trả (bản chính).
Sau khi được BHXH Bộ Quốc phòng cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, người bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến phải xuất trình cùng các thủ tục BHYT kể từ lần khám bệnh, chữa bệnh kế tiếp, đồng thời có trách nhiệm để lưu giữ bản chính để sử dụng cho các lần khám bệnh, chữa bệnh trong năm đến hết ngày 31/12 của năm đó.