Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội hướng dẫn trường hợp của ông Minh như sau:
Theo Điều 465 và Điều 467 Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.
Việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Có thể hủy bỏ hợp đồng tặng cho nhà ở đã lập
Theo Điều 44 Luật Công chứng, việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.
Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc giải thể thì công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch.
Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch.
Trường hợp ông Đinh Vũ Minh có căn nhà ở quận Ngô Quyền, ông đã lập hợp đồng tặng cho con gái tại phòng công chứng thành phố. Sau khi lập hợp đồng, con gái ông chưa nộp đơn đề nghị đăng ký biến động quyền sở hữu nhà, do vậy chưa được đứng tên chủ sở hữu nhà.
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự thì hợp đồng tặng cho bất động sản phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm người được tặng cho đăng ký quyền sở hữu. Do con gái ông Minh chưa đăng ký, nên hợp đồng tặng cho chưa có hiệu lực, về pháp lý con gái ông Minh chưa phải là chủ sở hữu căn nhà, vì vậy con gái ông Minh chưa có quyền bán nó cho người khác. Để giải quyết vấn đề này, có hai cách để bán căn nhà như sau:
- Cách thứ nhất, con gái ông Minh phải hoàn thiện thủ tục đăng ký sở hữu, rồi thực hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu, bán căn nhà đó theo hợp đồng mua bán nhà ở ký kết với bên mua.
- Cách thứ hai, ông Minh cùng con gái, tới Phòng công chứng thành phố (nơi đã lập hợp đồng tặng cho nhà ở) để lập hợp đồng hủy bỏ hợp đồng tặng cho nhà ở đã lập trước đây. Kết quả pháp lý của việc này là căn nhà tiếp tục thuộc quyền sở hữu của ông Minh, ông Minh có quyền định đoạt nó bằng việc bán cho người khác. Sau khi bán nhà, ông Minh có thể tiếp tục việc tặng cho con gái ông bằng tiền bán căn nhà.
Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng tặng cho giữa ông Minh với con gái phải được lập vào thời điểm trước. Hợp đồng mua bán nhà ở giữa ông Minh và người mua nhà phải lập vào thời điểm sau. Hai giao dịch này phải tiến hành vào hai thời điểm theo nguyên tắc trên, nhưng có thể được thực hiện trong cùng một ngày, hoặc ngày kế tiếp tại Phòng công chứng thành phố nơi trước đây bố con ông Minh đã lập hợp đồng tặng cho.
Theo luật sư, trường hợp con gái Minh muốn bán nhà gấp thì thực hiện theo cách thứ hai nhanh hơn cách thứ nhất, rút gọn được một thủ tục, mà phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.