In bài viết

Thủ tục kiểm tra 'như rừng rậm', Bộ KHCN tiên phong cải cách

(Chinhphu.vn) – Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những nỗ lực rất ấn tượng để đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu – vốn được đánh giá là ‘rừng’ thủ tục đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

20/10/2017 18:34

Tại buổi kiểm tra do Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành tại Bộ Khoa học và Công nghệ sáng 20/10, nhiều ý kiến bày tỏ ấn tượng trước những nỗ lực của Bộ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ đã phối hợp với các Bộ, trình Thủ tướng bãi bỏ 114 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng theo Quyết định số 37 năm 2017 của Thủ tướng.

Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành Thông tư 07 năm 2017, theo đó chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Trước đây có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30 nghìn lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh thừa nhận kết quả đánh giá của nước ngoài, xã hội hóa toàn bộ hoạt động đánh giá sự phù hợp, ban hành Thông tư 02 năm 2017 để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm với một số nhóm sản phẩm hàng hóa, đồng thời làm rõ cách thức tiền kiểm, hậu kiểm…

Bộ đã thay đổi tư duy

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong cải cách kiểm tra chuyên ngành thì Bộ Khoa học và Công nghệ có vai trò rất quan trọng.

“Chúng tôi nhận thấy bất cập lớn nhất trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành lâu nay là tư duy “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Nên việc Bộ thay đổi tư duy, giảm mạnh số mặt hàng phải kiểm tra và kiểm tra trước khi thông quan là rất ấn tượng”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, việc tiền kiểm sẽ khiến doanh nghiệp phải gánh chi phí rất lớn. Như theo phản ánh của doanh nghiệp, nhập khẩu một lô thép mất gần nửa tháng trời. Tuy nhiên, ông Tuấn hi vọng Thông tư 07 của Bộ sẽ giúp thay đổi căn bản thực trạng này.

Cùng với đó, tình trạng độc quyền của các cơ sở xác nhận, đánh giá sự phù hợp cũng gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Việc độc quyền là rất phổ biến, nên việc Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định tới 69 tổ chức đánh giá sự phù hợp là đáng khích lệ.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nêu nhiều bất cập còn tồn tại trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành nói chung. Chẳng hạn mặt hàng xe xitec chở xăng dầu hiện vẫn do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giao thông vận tải cùng quản lý.

“Intel nói rằng họ có chip điện tử hiện đại nhất thế giới, chưa kịp có quy chuẩn nhưng Việt Nam vẫn đè ra kiểm tra. Rồi nhiều sản phẩm đạt chuẩn châu Âu nhưng về Việt Nam kiểm tra lại không đạt chuẩn…”, ông Tuấn nêu thực tế và đề nghị các Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại diện Tổng cục Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Ngô Minh Hải đánh giá rằng Thông tư 07 của Bộ đã giải quyết căn bản các vướng mắc theo yêu cầu của Nghị quyết 19 và mở đường cho việc áp dụng quản lý rủi ro, hậu kiểm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Chúng tôi đánh giá rất cao quy định này và trên thực tế từ khi áp dụng quy định mới này thì về cơ bản Hải quan không bị vướng. Nhưng cho đến nay, trong các Bộ, mới chỉ có Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức thực hiện yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan, thậm chí Bộ cắt tới 96%”, ông Hải nói.

Nhưng ông Hải cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát lại các quy định bởi nhiều văn bản trước đây chưa thống nhất với nội dung đổi mới trong các văn bản gần đây, cần sửa đổi, bổ sung.

Thủ tục kiểm tra "như rừng rậm"

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết sau buổi kiểm tra, sẽ tiếp tục quán triệt các nội dung làm việc của Tổ công tác và ý kiến bộ ngành, hiệp hội, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn sau buổi làm việc, Tổ công tác sẽ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc các bộ, ngành tăng cường việc công nhận và thừa nhận sản phẩm từ các nước phát triển, các nhãn hiệu nổi tiếng; đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác đánh giá sự phù hợp. Đặc biệt, cần khẩn trương ban hành các quy chuẩn quốc gia, bởi hiện các bộ ngành mới ban hành được 2%.

Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong tháo gỡ khó khăn cho  hàng hóa xuất nhập khẩu và thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

“Bộ có quyết tâm rất cao, có thể nói là mẫu mực trong việc thực hiện cải cách theo yêu cầu của Chính phủ. Nhiều nơi còn tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp, kiểm nghiệm, nhưng Bộ không vấp phải điều này, mà xã hội hóa rất mạnh, có thể nói là ưu việt nhất”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Bộ cần tiếp tục nỗ lực, đặc biệt trong việc cùng các Bộ xây dựng các quy chuẩn quốc gia, bởi việc thiếu quy chuẩn sẽ tạo sự mập mờ, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ công tác sẽ tiếp thu các ý kiến và tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ sắp tới, nhất là việc xử lý các vấn đề chồng chéo giữa các Bộ.

Hiện, số mặt hàng chịu sự kiểm tra của 2-3 bộ rất lớn, lên tới 58% tổng số mặt hàng. Trong khi thủ tục kiểm tra quá phức tạp, “như rừng rậm”.

“Qua quan điểm của Bộ trưởng hôm nay, Bộ mẫu mực đi tiên phong thì chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu chỉ  đạo của Thủ tướng và chúng ta sẽ thực hiện được tốt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ”, Tổ trưởng Tổ công tác tin tưởng.

Hà Chính