Bà Kim có liên hệ ngân hàng và được yêu cầu phải có giấy thỏa thuận phân chia di sản và công chứng. Vợ chồng bà Kim không có con, bố mẹ hai bên đều đã mất. Bà đã cung cấp các giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy kết hôn, giấy chứng tử nhưng ngân hàng không chấp nhận.
Bà Kim đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết trường hợp của bà.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Về quyền thừa kế, di sản thừa kế và thủ tục nhận thừa kế, Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định như sau: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (Điều 105).
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác (Điều 612).
Người thừa kế theo pháp luật: “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
… 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau…” (Điều 651).
Tại Luật Công chứng năm 2014 quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản…
2... Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc” (Điều 57).
Công chứng văn bản khai nhận di sản:
“1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 57 của Luật này” (Điều 58).
Ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán
Theo Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định:
- Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.
Để ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản phải gửi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản văn bản ủy quyền kèm bản đăng ký mẫu chữ ký và bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người được ủy quyền (trường hợp bản sao không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu) (Điều 4).
- Chủ tài khoản thanh toán có các quyền:… Ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư này; các quyền khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không trái với quy định của pháp luật hiện hành (Khoản 1 Điều 5).
Người thừa kế hợp pháp được quyền thừa kế di sản của người đã chết
Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về việc đóng tài khoản thanh toán và việc xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán như sau:
“1. Việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi:
... b) Chủ tài khoản là cá nhân bị chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;…
2. Xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán:
a) Chi trả theo yêu cầu của chủ tài khoản hoặc người được thừa kế, đại diện thừa kế hợp pháp trong trường hợp chủ tài khoản là cá nhân chết,…,” (Điều 13).
Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định như sau:
“1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện đóng tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:
… b) Chủ tài khoản thanh toán của cá nhân bị chết, bị tuyên bố là đã chết, bị mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;…
4. Số dư còn lại sau khi đóng tài khoản thanh toán được xử lý như sau:
a) Chi trả theo yêu cầu của chủ tài khoản; người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản trong trường hợp chủ tài khoản là người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người được thừa kế, đại diện thừa kế trong trường hợp chủ tài khoản thanh toán của cá nhân bị chết, bị tuyên bố là đã chết, mất tích;…” (Điều 18).
Căn cứ các quy định trên, người được thừa kế hợp pháp được quyền thừa kế di sản của người đã chết. Thủ tục nhận thừa kế di sản của người đã chết được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng và các quy định khác của pháp luật về việc nhận thừa kế.
Theo báo cáo của ngân hàng nơi chồng của bà Kim mở tài khoản, ngân hàng có nhận được điện thoại của bà yêu cầu được rút số dư từ tài khoản thẻ ATM của người chồng đã mất.
Theo đó, ngân hàng đã hướng dẫn bà Kim cung cấp các chứng từ cần thiết theo quy định của ngân hàng và quy định của pháp luật để thực hiện việc rút tiền.
Tuy nhiên, bà Kim không thể cung cấp bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc tờ khai nhận di sản thừa kế và thư ủy quyền (nếu có) được công chứng do thời điểm đó các văn phòng công chứng đóng cửa vì dịch COVID-19.
Do những văn bản ngân hàng yêu cầu bà Kim cung cấp là những chứng từ cơ bản và quan trọng nhằm chứng minh người thừa kế hợp pháp đối với di sản của khách hàng cũng như bảo đảm việc ngân hàng thực hiện đúng quy định của pháp luật về nhận thừa kế nên bà Kim cần phải cung cấp đầy đủ những chứng từ như quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đề nghị bà Kim liên hệ trực tiếp với phòng giao dịch để được hỗ trợ hướng dẫn giải quyết nhanh chóng và phù hợp với quy định.