In bài viết

Thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về BHXH

(Chinhphu.vn) - Bà Trần Thị Thu Thủy công tác tại Văn phòng đại diện công ty ở TP. Hồ Chí Minh, trụ sở tại Hà Nội từ 2/1/2008-10/3/2010, tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ. Sau khi nghỉ việc bà Thủy đã nhiều lần liên hệ với công ty để nhận lại sổ BHXH nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bà Thủy muốn biết thủ tục và trình tự khiếu kiện để nhận lại sổ BHXH.

22/08/2011 13:50

Câu hỏi của bà Thủy được Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội hướng dẫn như sau:

Người lao động được nhận sổ BHXH khi không còn làm việc

Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 2, Luật BHXH quy định người lao động (NLĐ) là công dân Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc.

Cũng theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Luật BHXH thì doanh nghiệp sử dụng lao động là đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.

Theo đó, quyền của NLĐ là được cấp sổ BHXH, nhận sổ BHXH khi không còn làm việc quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 15 Luật này.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 18, Luật BHXH thì người sử dụng lao động có trách nhiệm:

- Lập hồ sơ để NLĐ được cấp sổ, đóng và hưởng BHXH;

- Đóng BHXH theo quy định và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của NLĐ theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH

- Bảo quản sổ BHXH của NLĐ trong thời gian NLĐ làm việc

- Trả sổ BHXH cho NLĐ khi người đó không còn làm việc

Tại khoản 4, Điều 7, Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ  hướng dẫn một số điều của Luật BHXH quy định các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 14, Luật BHXH như gây phiền hà, trở ngại, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ bao gồm:

- Cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm việc đóng, hưởng các chế độ BHXH của NLĐ;

- Không cấp sổ BHXH hoặc không trả sổ BHXH cho NLĐ theo quy định.

Được yêu cầu Tòa án giải quyết

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 151, Bộ luật Lao động (đã sửa đổi bổ sung năm 2002) thì tranh chấp về BHXH giữa NLĐ đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động do hai bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

Theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 166 Bộ luật Lao động (đã sửa đổi bổ sung) thì Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp lao động cá nhân giữa NLĐ đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động về BHXH không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở.

Về thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu quy định tại điểm b, điểm đ, khoản 1, Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:

- Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;

- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, BHXH, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với NLĐ, thì nguyên đơn là NLĐ có thể yêu cầu tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.

Trường hợp bà Trần Thị Thu Thủy làm việc tại Văn phòng Đại diện công ty ở TP. Hồ Chí Minh từ ngày 2/1/2008 đến ngày 10/3/2010 (Trụ sở chính tại Hà Nội). Thời gian này bà Thủy đã tham gia BHXH bắt buộc và hàng tháng công ty vẫn trích tiền lương của bà để đóng BHXH. Khi bà không làm việc tại công ty nữa bà có quyền nhận lại sổ BHXH. Công ty có nghĩa vụ đến Cơ quan BHXH chốt sổ và trả sổ BHXH cho bà.

Mặc dù từ khi thôi việc đến nay bà Thủy đã nhiều lần yêu cầu công ty trả sổ BHXH nhưng Công ty vẫn chưa trả sổ BHXH cho bà, vì vậy bà cần khẩn trương khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết mà không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở.

Bà Thủy có thể lựa chọn Tòa án cấp huyện nơi đăng ký trụ sở chính của công ty tại Hà Nội, hoặc Tòa án cấp huyện nơi đăng ký Văn phòng đại diện Công ty tại TP. Hồ Chính Minh, hoặc Tòa án cấp huyện nơi bà Thủy cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.