In bài viết

Thủ tướng: 8 ý nghĩa lớn khi Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức 'hồi sinh'

(Chinhphu.vn) - Sáng 27/4, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức.

27/04/2023 14:50
Thủ tướng: 8 ý nghĩa lớn khi Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức 'hồi sinh' - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Petrovietnam.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án trọng điểm với quy mô lớn của ngành điện do Petrovietnam làm chủ đầu tư, được khởi công từ đầu năm 2011, tổng vốn đầu tư 41.799 tỷ đồng, công suất 1.200 MW.

Đã trải qua 12 năm đầu tư xây dựng với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân có giai đoạn dự án phải dừng triển khai trong thời gian dài; dự án được sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân, nhất là nhân dân tỉnh Thái Bình, những người dân đã nhường đất, mặt bằng cho dự án để mong sớm hoàn thành dự án. Nhờ đó, sau 12 năm, dự án đã hồi sinh.

Thủ tướng: 8 ý nghĩa lớn khi Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức 'hồi sinh' - Ảnh 2.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sự kiện rất đáng mừng, bởi nhà máy có tổng đầu tư và công suất lớn, dự án đã kéo dài 12 năm, người dân có nhiều băn khoăn, trăn trở, lo lắng về dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với phương châm hồi sinh từ khát vọng vượt lên chính mình, đến nay, 2 tổ máy đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm thu và đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 1 tỷ kWh.

Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.

Tại sự kiện, trong không khí phấn khởi cả nước chào mừng các ngày lễ lớn (giỗ Tổ Hùng Vương, 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Ngày quốc tế Lao động 1/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Thủ tướng: 8 ý nghĩa lớn khi Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức 'hồi sinh' - Ảnh 3.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát lại công việc, bảo đảm nhà máy vận hành theo tiêu chí hiện đại, hiệu quả, an toàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh năng lượng, bảo đảm cung cấp điện là một trong những nhiệm vụ chính trị, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt xấp xỉ 77.800 MW, cơ bản bảo đảm năng lượng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sự kiện rất đáng mừng, bởi nhà máy có tổng đầu tư và công suất lớn, dự án đã kéo dài 12 năm, người dân có nhiều băn khoăn, trăn trở, lo lắng về dự án. Việc hồi sinh nhà máy được thực hiện trong điều kiện khó khăn, các quy định pháp luật còn nhiều chồng chéo, vướng mắc và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Ngày 15/7/2021, khi Thủ tướng triệu tập lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh Thái Bình và các chủ thể liên quan để bàn về phương hướng hồi sinh nhà máy cũng là thời điểm bùng phat dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam.

Khi đó, các đại biểu đề nghị phải tăng thêm 4.800 tỷ đồng từ ngân sách cho dự án và cuối cùng, Thủ tướng kết luận, không dùng thêm ngân sách, mà phải cơ cấu lại trong tổng vốn đầu tư, vận dụng sáng tạo các quy định hiện hành, sử dụng nguồn vốn của Petrovietnam nếu còn thiếu vốn. Đến nay, việc hồi sinh dự án không những không phải sử dụng thêm vốn của Nhà nước, của Tập đoàn, mà ngược lại, có thể tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Thủ tướng: 8 ý nghĩa lớn khi Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức 'hồi sinh' - Ảnh 4.

Thủ tướng thăm hỏi cán bộ, người lao động của nhà máy - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Việc khánh thành dự án hôm nay thể hiện thành quả của ngày đêm không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn của hàng nghìn cán bộ công nhân viên, người lao động trên công trường, sự lãnh đạo, chị đạo kịp thời của các cấp, các ngành; sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của tổng thầu và các nhà thầu cũng như sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh thái Bình", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của Petrovietnam và các Bộ, cơ quan: Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan đã phối hợp xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Điều này tạo niềm tin cho chúng ta về một nhà máy nhiệt điện hiện đại, bảo đảm chất lượng, hoạt động ổn định, hiệu quả và đáp ứng yếu tố về môi trường.

Thủ tướng: 8 ý nghĩa lớn khi Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức 'hồi sinh' - Ảnh 5.

Thủ tướng tặng quà người lao động của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, sự kiện khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 mang nhiều ý nghĩa to lớn trên 8 khía cạnh: Góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công nghiệp hóa nông thôn, công nghiệp hóa tỉnh Thái Bình vốn là một tỉnh thuần nông; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Bắc và cả nước; đóng góp cho kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa các chất thải để sản xuất các sản phẩm; tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, với khoảng 75% nhân lực của nhà máy trong quá trình xây dựng và vận hành là người địa phương; đóng góp ngân sách địa phương (khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm khi chạy hết công suất); đánh dấu sự trưởng thành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các nhà thầu Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Thái Bình; khẳng định sự đúng đắn, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển năng lượng; khẳng định ý Đảng hợp lòng dân.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn nhân dân tỉnh Thái Bình, những người dân đã nhường mặt bằng, nơi sinh sống, canh tác hàng trăm năm cho dự án. 

Thủ tướng tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu từ việc hồi sinh dự án, đó là "được người, được việc, được của, được tổ chức, được lòng dân".

Thủ tướng: 8 ý nghĩa lớn khi Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức 'hồi sinh' - Ảnh 6.

Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc phát triển hệ thống điện phải bảo đảm 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện hợp lý - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phân tích cụ thể, hơn, Thủ tướng nêu rõ, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung lên trên hết để hành động; công tác nghiên cứu, đầu tư phải kỹ lưỡng, tôn trọng thực tiễn khách quan để không đội vốn, kéo dài thời gian, không lãng phí nguồn lực, không mất cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ khâu chuẩn bị dự án tới việc phê duyệt, tổ chức thực hiện, nghiệm thu và thanh quyết toán; mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm trong điều kiện khó khăn, yêu cầu sử dụng vốn có hiệu quả, tiết kiệm nhân lực và không vi phạm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và phân bổ nguồn lực phù hợp; không bi quan, mất bản lĩnh trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, biến trăn trở, băn khoăn thành hành động, biến nguy thành cơ.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát lại công việc, bảo đảm nhà máy vận hành theo tiêu chí hiện đại, hiệu quả, an toàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm vệ sinh môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành; không để xảy ra sự cố do yếu tố chủ quan; các cơ quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà máy và người dân; tiếp tục tạo công ăn, việc làm và sinh kế người dân, ổn định, nâng cao đời sống cho những người dân đã nhường mặt bằng.

Nhân dịp này, Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc phát triển hệ thống điện phải bảo đảm 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện hợp lý.

Hà Văn