Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm đối với các DNNN - công cụ quan trọng của Nhà nước để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và giữ nhịp độ tăng trưởng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành đến dự.
‘Như chiếc xe tải đi giữa đường phố đông người’
Thủ tướng cho rằng, qua 10 năm thành lập, Đảng bộ Khối có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước. Trong 10 năm đó, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã đóng góp từ 26 – 30% GDP, đóng góp một nguồn thu quan trọng cho đất nước, đóng góp vào phát triển các hạ tầng lớn ở vùng sâu, vùng xa, an sinh xã hội.
Đứng trên giác độ chung nhất, chúng ta đã bảo tồn và phát triển vốn tại DNNN. Đặc biệt, DNNN là công cụ quan trọng của Nhà nước để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và giữ nhịp độ tăng trưởng.
“Từ lương thực đến năng lượng, bao gồm cả dầu khí, điện than, xăng dầu, từ tiền tệ đến hàng không, mà tiền tệ ở đây có đến 6 ngân hàng, trong đó có ngân hàng không phải kinh doanh, nhưng đóng vai trò quan trọng như Ngân hàng Chính sách xã hội; từ cao su đến cà phê, từ bưu chính viễn thông đến xây dựng thủy điện, xi măng cũng như đến công tác quản lý vốn SCIC… Các lĩnh vực của đất nước, các đồng chí đều có sự đóng góp hết sức to lớn”, Thủ tướng nêu rõ. Chúng ta có quyền tự hào về thành quả mà Đảng bộ Khối và các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng trong Khối đã đóng góp vào ổn định và phát triển đất nước.
“Người ta nói với chúng tôi rằng DNNN ngày hôm nay trong kinh tế thị trường định hướng XHCN như một chiếc xe tải đi giữa đường phố đông người. Nhưng trong bối cảnh như vậy, các đồng chí đã năng động, sáng tạo, khó lách tránh nhưng cố gắng lách tránh để có nhiều DNNN phát triển, bảo tồn, phát triển vốn là điều đáng trân trọng”, Thủ tướng chia sẻ.
Thua lỗ, tai tiếng do đâu?
Cho rằng bên cạnh nhiều thành công, nhìn lại 10 năm thành lập, Thủ tướng nêu rõ cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập mà “chúng ta đã đi qua, đã vấp phải trong khối DNNN để chúng ta có những kinh nghiệm, bước đi tốt hơn trong thời gian đến”.
Bài học đầu tiên cần rút ra là công tác cán bộ. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Thủ tướng nhấn mạnh công tác cán bộ quyết định tất cả. Công tác cán bộ đúng, chuẩn xác, cán bộ không hư hỏng thì DN thành công.
Thứ hai là công tác quản lý đầu tư và quản lý vốn. Những bài học kinh nghiệm như vay vốn lớn, đầu tư dàn trải, không quản lý tốt dẫn đến hậu quả xấu.
Bài học về năng suất lao động nhìn chung là còn thấp so với thế giới cũng như các loại hình DN ở Việt Nam. Bài học về xây dựng, phát triển thương hiệu, đi liền với đó là công tác quản trị DN được đặt ra.
“Ở đây chúng ta có thể nói bài học trong nội bộ chúng ta. Hai anh cùng kinh doanh giống nhau, thậm chí điều kiện tốt hơn nhưng anh có điều kiện tốt hơn đó bị lỗ chỏng gọng. Tai tiếng. Là do cái gì?”, Thủ tướng nói và cho rằng, chính là do công tác cán bộ, do cái tâm, cái tầm của người quản lý. Nếu biết đặt lợi ích chung lên trên, không tham ô, tiêu cực, không có tỷ lệ ăn chia trong đầu tư xây dựng, gương mẫu thì mới thành công. Còn nếu người lãnh đạo DNNN mà không rèn luyện, tu dưỡng, không đặt lợi ích chung lên trên thì thất bại là hiển nhiên.
Thủ tướng cũng nhắc đến một điều đáng buồn là có những thương hiệu lớn qua 10 năm thì không còn trong kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay, do sự suy sụp, do công tác quản lý.
“Tôi đề nghị các đồng chí qua hội nghị này rút kinh nghiệm tốt hơn nữa trong điều hành và quản lý, nhất là quản lý con người mà Đảng ta thường quan tâm. Mà công tác Đảng trước hết là quản lý cán bộ, đảng viên”.
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đối với kinh tế thị trường định hướng XHCN hoặc kinh tế thị trường ở các nước tư bản phát triển thì kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ lệ ít nhất từ 15 -30%, dù ở Mỹ, Anh, Singapore… Chiếm tỷ lệ này để làm gì? Thủ tướng cho rằng để Nhà nước bảo đảm phát triển cân đối, ổn định của nền kinh tế. Thủ tướng nêu tiếp: Có DNNN, có kinh tế Nhà nước để làm gì và cho rằng, để không những DNNN đóng góp, khắc phục khiếm khuyết của thị trường mà còn là một yêu cầu tất yếu để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
DNNN cần phải làm gì? Thủ tướng đặt vấn đề và gợi mở một số định hướng, nhiệm vụ. Đó là tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó, đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động, để khắc phục cho được những bất cập của DNNN. Một mô hình quan liêu bao cấp, chủ nghĩa bao cấp mà ăn sâu vào DNNN thì không thành công.
Tiến bộ khoa học công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu với cuộc cách mạng 4.0, một cuộc cách mạng về ý tưởng trong phát triển. Cho nên, DNNN phải đi tiên phong, là yêu cầu đầu tiên để hội nhập quốc tế. Yếu tố này nếu bỏ qua trong mọi vấn đề kinh doanh thì đều thất bại.
“Một phong trào khởi nghiệp quốc gia đang đặt ra trên cả nước. Các đồng chí là những người kinh doanh có truyền thống ở mặt này, mặt khác thì cũng phải xem lại khởi nghiệp của mình trong một số vấn đề. Chứ không phải bổn cũ chép lại”, Thủ tướng nói. “Vì vậy người ta nói khoa học, công nghệ là then chốt, là quan trọng chứ không phải ‘then chót’ (cuối cùng)”.
Phải nâng cao vai trò và năng lực cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. “Bộ máy nòng cốt của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, các đồng chí bí thư, phó bí thư, chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng ở đây là những người trực tiếp làm công tác Đảng thì chúng ta phải đổi mới công tác Đảng, chủ động trong xây dựng Đảng để phục vụ sự phát triển như thế nào? Đó là một câu hỏi, một bài toán đặt ra cho các đồng chí”. Vì vậy, vấn đề đặt ra của năng lực cấp ủy hay vai trò lãnh đạo đó là lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, bảo đảm việc làm, hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu, bảo đảm đời sống người lao động, bảo tồn được vốn…
Đi liền với đó là chất lượng xây dựng Đảng, bảo đảm trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), trong đó phải chống 27 biểu hiện suy thoái, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ và không thể quên một truyền thống, nghĩa cử tốt đẹp của các đơn vị trong Khối là đóng góp bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược trong phát triển, “chứ không ăn xổi ở thì”, nhìn trước mắt mà không nhìn lâu dài. Vì vậy, phải chọn người tài trong quản lý điều hành, tức là đi liền với việc không chọn người nhà, người thân quen trong bộ máy DNNN.
Không làm chứng từ giả rút tiền Nhà nước
“Chúng tôi cũng mong muốn DNNN nói không với tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt, chúng ta chống tình trạng sân trước, sân sau”, Thủ tướng nêu rõ, "không tổ chức đường dây tham nhũng, tiêu cực làm chứng từ giả để rút tiền Nhà nước. Không hạch toán toán sai, đưa hết vào chi phí, làm lợi cho cá nhân còn Nhà nước thì cùng kiệt".
Tiếp tục quan tâm người lao động cả về vật chất và tinh thần. “Đây cũng là truyền thống quý của DNNN, hơn hẳn các loại hình DN khác. Tết nhất thì bớt chi phí này, chi phí khác, lo cấp trên, quan hệ này khác để dành tiền đó cho người lao động”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty tôn trọng công tác Đảng, có chế độ sinh hoạt nền nếp trong Đảng bộ. Đoàn kết, thống nhất giữa Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc, “chứ cứ khục khặc với nhau thì không thể làm ăn gì được”.
Phải luôn nghiên cứu, rèn luyện để có tư duy, tầm nhìn chiến lược trong quản lý điều hành trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hội nhập quốc tế sâu rộng, trước một thị trường 100 triệu dân với nhiều lựa chọn. “Tôi đã nói sự xâm thực đáng sợ của nước mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng sự xâm thực nguy hại nhất là hàng nước ngoài chất lượng không cao hơn hàng Việt Nam tràn ngập thị trường Việt Nam”, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh “các DNNN phải quan tâm vấn đề này”.
Điều đó đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, quyết liệt của các DNNN. “Nếu cứ lo sợ chuyện này, chuyện khác thì cái tâm ta sáng, trách nhiệm ta cao mà chúng ta không dám làm gì thì chúng ta cũng chẳng có gì”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm đối với các DNNN.
Một vấn đề nữa là tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, “để chúng ta huy động thêm vốn xã hội, để có thêm cổ đông giám sát hoạt động của chúng ta và thứ ba là thay đổi tư duy quản trị”. Quá trình cổ phần hóa cần làm theo lộ trình, chống thất thoát tài sản Nhà nước.
“Từ vai trò quan trọng của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta không thể không coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng, từ Đảng bộ Khối đến Đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng trong Khối. Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng vào các đồng chí”, Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn phát huy ưu điểm, có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn trong Đảng bộ Khối cũng như trong từng Đảng bộ trực thuộc, có các phương án khắc phục bất cập tồn tại đã vấp phải hoặc sẽ vấp phải để đóng góp xây dựng, phát triển đất nước.
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có 28 Đảng bộ trực thuộc với trên 36.000 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ Khối có 35 Đảng bộ với trên 1.100 tổ chức cơ sở đảng và gần 81.000 đảng viên. Các DN trong Khối hằng năm đóng góp 1/3 ngân sách quốc gia, bảo đảm đời sống và việc làm cho gần 1 triệu lao động. Trong 10 năm qua, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng dành gần 31.000 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội. |
Đức Tuân