Cùng tham dự sự kiện có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Đây là cuộc thi lần thứ 5 được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, qua 6 năm triển khai Đề án, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, sự hỗ trợ của các địa phương, các bộ, ngành và sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của Hội Phụ nữ các cấp, đã có trên 80.000 ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ; trên 70.000 phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5.000 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập; hơn 60.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kết nối các nguồn lực để phát triển.
Nổi bật nhất trong các hoạt động của Đề án là cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp. Năm 2023, vòng tiếp nhận và sàng lọc cấp tỉnh, thành của cuộc thi đã có 2.024 dự án/ý tưởng khởi nghiệp tham gia dự thi (tăng 30,67% so với cuộc thi năm 2021). Lễ trao giải thưởng chung kết toàn quốc cuộc thi vinh danh 33 dự án khởi nghiệp tiêu biểu nhất, gồm 1 giải đặc biệt, 3 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 19 giải khuyến khích, với tổng trị giá giải thưởng trên 2,3 tỷ đồng.
Trong số 33 dự án, có 13 dự án của các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ, 14 dự án của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, 06 dự án của hộ kinh doanh cá nhân. Đặc biệt, có 02 dự án của phụ nữ khuyết tật và 07 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Cũng nhân dịp này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh". Cùng trong chuỗi sự kiện trao giải Chung kết toàn quốc Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, đã diễn ra Hội chợ để thử nghiệm các sản phẩm của các dự án Khởi nghiệp và các sản phẩm OCOP do phụ nữ sản xuất.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu; được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới đúc kết và dành tặng tám chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới phụ nữ cả nước nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương 33 dự án tham gia vòng chung kết toàn quốc năm 2023 và các tác giả dự án được giải của cuộc thi; ghi nhận, đánh giá cao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, với nhiều đổi mới, sáng tạo, đóng góp quan trọng vào phong trào khởi nghiệp, mục tiêu bình đẳng giới quốc gia và sự phát triển nhanh, toàn diện, bền vững của đất nước.
Theo Thủ tướng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó phụ nữ-chiếm 50% dân số, gần 48% lực lượng lao động của đất nước ta-được đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện.
Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 đã xác định rõ nhiệm vụ: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018, Luật Hợp tác xã năm 2023 đều có nội dung ưu tiên hỗ trợ đối với đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ, quản lý... Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra chỉ tiêu "Tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất đạt 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030".
Chính phủ đã ban hành các đề án dành riêng cho phụ nữ, giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện, nổi bật là hai Đề án của Chính phủ, Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Đối với Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Thủ tướng đánh giá qua báo cáo, các hoạt động của Đề án do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức đã bắt kịp với xu thế đổi mới, sáng tạo, đồng thời mang tính nhân văn sâu sắc, đạt nhiều kết quả tích cực.
Các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp với nhiều chủ đề khác nhau đã khẳng định sự năng động, đổi mới không ngừng của tổ chức Hội nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và thúc đẩy bình đẳng giới.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp là diễn đàn lớn, sâu rộng, khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Việt Nam trong hành trình khởi nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ cả nước tham gia các mô hình kinh tế đa dạng như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể... để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Những đóng góp của phụ nữ thông qua các hoạt động khởi nghiệp đã tạo ra giá trị mới, động lực mới, không chỉ góp phần to lớn trong phát triển kinh tế đất nước mà còn có những tác động tích cực vào giải quyết những vấn đề xã hội, góp phần ổn định chính trị-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã lựa chọn chủ đề cuộc thi năm 2023 là "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa"; không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp, mà còn bảo tồn văn hoá truyền thống, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ làm gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, giảm thiểu tác động môi trường, mang lại cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương.
Công tác tổ chức Cuộc thi rất bài bản, khoa học, từ khâu phát động cuộc thi, đánh giá, lựa chọn, tập huấn, bồi dưỡng ý tưởng/dự án dự thi đến việc tổ chức cuộc thi tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam để lựa chọn những dự án xuất sắc nhất vào vòng chung kết.
Thủ tướng bày tỏ rất ấn tượng trước những ý tưởng táo bạo, đổi mới của các đề án khởi nghiệp của phụ nữ, đặc biệt là sự tâm huyết, trăn trở của các chị đối với việc khôi phục các nghề truyền thống đang có khả năng mai một; phát huy tài nguyên du lịch của quê hương; sử dụng tất cả những gì thiên nhiên ban tặng từ luỹ tre làng, hạt gạo quê hương, cây thảo mộc… đến truyền thống lịch sử hào hùng, bản sắc của địa phương… để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thẩm thấu trong từng sản phẩm nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam (như dự án hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết của chị Trương Thị Bạch Thủy, tỉnh Sóc Trăng; dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển sữa gạo lứt hữu cơ của chị Hoàng Thị Thuỳ Linh ở Vĩnh Phúc đã đạt giải đặc biệt...).
"Tôi đặc biệt trân trọng nỗ lực vượt bậc của những phụ nữ vùng miền núi, dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, những phụ nữ xuất phát từ hoàn cảnh rất khó khăn, éo le… nhưng với ý chí, nghị lực phi thường đã vươn lên, vượt qua chính mình, chứng minh một tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt và khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Thật ngưỡng mộ, xúc động và tự hào về các chị!", Thủ tướng phát biểu. Thủ tướng nhắc tới dự án lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, chí chọp của chị Lò Chúc Chi, dân tộc Thái, tỉnh Điện Biên; dự án khởi nghiệp của người phụ nữ nhỏ bé Bùi Thị Yến Nhi đầy sáng tạo với mô hình sản xuất và kinh doanh hoa sáp (Hoa Út Nhi)…
Qua đây, Thủ tướng cũng biểu dương sự hưởng ứng tích cực, hỗ trợ, đồng hành của các chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng đối với phong trào, hoạt động hết sức ý nghĩa này. Đây là một nghĩa cử tốt đẹp, thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của cả xã hội đối với việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới, phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn riêng, rất đặc thù trong hành trình khởi nghiệp, nước ta đang phải đối mặt với những "cơn gió ngược" của kinh tế toàn cầu, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của bản thân chị em mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành, ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thực hiện một số nội dung quan trọng.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ khởi nghiệp, nhất là cơ chế hỗ trợ về vốn, tư vấn pháp lý, tập huấn nâng cao năng lực toàn diện cho phụ nữ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho phụ nữ khởi nghiệp...
Cùng với đó, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó lưu ý hệ sinh thái riêng cho phụ nữ khởi nghiệp; hình thành và phát huy hiệu quả mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế nhằm hỗ trợ các ý tưởng/dự án khởi nghiệp của phụ nữ.
Mở rộng phạm vi hoạt động và đối tượng thụ hưởng của các quỹ đầu tư khởi nghiệp các cấp để ngày càng có nhiều phụ nữ được tiếp cận với các quỹ, bảo đảm nguồn lực để hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Các ngân hàng nghiên cứu phát triển các gói sản phẩm phù hợp, ưu đãi dành cho các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó có dự án của phụ nữ.
Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, hợp tác quốc tế cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ thông qua các diễn đàn, hội chợ, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư; hỗ trợ kết nối cung-cầu, quảng bá, giới thiệu, sử dụng sản phẩm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ.
Thủ tướng nhấn mạnh 5 nội dung quan trọng để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của phụ nữ: Gắn phong trào khởi nghiệp với đổi mới sáng tạo để tạo giá trị, sản phẩm mới, động lực mới cho cộng đồng và xã hội; gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; gắn với quy hoạch vùng và quy hoạch địa phương; khởi nghiệp phải được hỗ trợ bởi doanh nghiệp và ngân hàng về thị trường và vốn; được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, khuyến khích, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa các hoạt động hiệu quả, thiết thực để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; chú trọng tổ chức các phong trào, diễn đàn, hoạt động biểu dương, tôn vinh nhằm khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các tầng lớp phụ nữ.
Đồng thời, tích cực vận động sự tham gia hưởng ứng, hỗ trợ, đồng hành của các ngành, các cấp và các thành phần trong xã hội đối với phong trào khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ cả nước.
Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cần chủ động và tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nói riêng và hỗ trợ phát triển kinh tế cho phụ nữ nói chung.
Thủ tướng cũng kêu gọi và đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, ngân hàng cùng chung tay, chung sức đồng hành, hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ: Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đồng hành, khuyến khích mọi ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để phát triển đất nước nhanh, bền vững, nhanh chóng đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, ứng phó biến đổi khí hậu…
Thủ tướng tin tưởng rằng, với đức tính chịu thương, chịu khó, bền bỉ, nỗ lực phấn đấu vươn lên, với tinh thần lao động cần cù, hăng say, năng động, đổi mới, với sức mạnh và bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam, ngọn lửa nhiệt huyết khởi nghiệp của những phụ nữ có dự án khởi nghiệp ngày hôm nay sẽ được lan tỏa rộng khắp, góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê, khát vọng sáng tạo, đổi mới và cống hiến, đóng góp trong các tầng lớp phụ nữ, trong nhân dân.
"Sẽ ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, hợp tác xã của phụ nữ đứng lên trong khó khăn, ghi danh trong danh sách những dự án khởi nghiệp thành công của Việt Nam, của khu vực và của thế giới, đóng góp cho một Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, bao trùm, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng phát biểu.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng nêu một số gợi ý cho việc tổ chức Cuộc thi năm 2024./.