*Buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra hiện trường công tác thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Nhổn - ga Hà Nội), thăm, tặng quà Tết, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường nhà ga ngầm S12 (ga Hà Nội) - vị trí sâu nhất của dự án.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện dự án đạt tiến độ tổng thể khoảng hơn 77%, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã đã đạt 99,7%; dự kiến vận hành vào tháng 6/2024.
Với đoạn ngầm hiện đạt tiến độ khoảng 40%, nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm trong quý II/2024.
Ga ngầm S12 là ga sâu nhất trong số 4 ga ngầm của tuyến metro, với thiết kế 3 tầng hầm, điểm sâu nhất nằm 35 m dưới mặt đường. Các ga ngầm còn lại chỉ có 2 tầng, sâu 29 m. Ga ngầm S12 đang nằm trên "đường găng" tiến độ của dự án, nếu chậm sẽ kéo cả dự án chậm theo.
Trên công trường, Thủ tướng đã trao đổi với đại diện TP. Hà Nội, Ban Quản lý dự án, nhà thầu, chuyên gia nước ngoài, kỹ sư, công nhân… về việc triển khai dự án; đặc biệt Thủ tướng tìm hiểu kỹ đánh giá của chuyên gia nước ngoài về chất lượng kỹ sư, công nhân Việt Nam, các biện pháp để thúc đẩy tiến độ dự án… Các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao trình độ và ý thức trách nhiệm của đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam.
Thủ tướng hoan nghênh các nhà thầu đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của dự án với Hà Nội, cũng như hiện trạng dự án, từ đó xác định rõ trách nhiệm, tăng cường nhân lực, máy móc để thi công xuyên Tết.
Thủ tướng cho biết, dự án đã kéo dài, do đó Chính phủ rất quan tâm vấn đề đẩy nhanh tiến độ, không để tiếp tục kéo dài, bởi càng kéo dài thì càng đội vốn, hiệu quả đầu tư thấp.
Về chất lượng, Thủ tướng cho rằng địa chất tại khu vực dự án tương đối phức tạp, cần nghiên cứu để xử lý tốt các vấn đề liên quan. Mặt khác, dự án có mặt bằng thi công hẹp, nên khi thi công càng cần bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, tính toán công việc khoa học, hợp lý.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm với các dự án metro, nên phải thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài, do đó mong được phía nước ngoài quan tâm chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng cũng đề nghị các nhà tư vấn, nhà thầu thiết kế, thi công tăng cường phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tiếp tục huy động nhân lực, máy móc làm việc xuyên lễ, xuyên Tết với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Chính phủ, các cơ quan liên quan và Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy dự án.
Thủ tướng ân cần thăm hỏi công việc, đời sống, tâm tư nguyện vọng, hoan nghênh tinh thần làm việc của các cán bộ, công nhân trên công trường và mong muốn các cán bộ, công nhân cố gắng làm tốt hơn, nhanh hơn để bù lại tiến độ đã mất vì dịch bệnh COVID-19 và nhiều lý do khác, song lưu ý phải bảo đảm an toàn là trên hết.
* Tiếp đó, Thủ tướng đã đi thăm, tặng quà, chúc Tết, động viên các tổ công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đang làm nhiệm vụ tại khu vực đường Điện Biên Phủ và đường Hoàng Diệu.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới toàn thể gần 5.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động của Công ty URENCO đã không quản mưa rét hay nắng nóng, bền bỉ làm việc cho những con đường, góc phố, công viên của Hà Nội sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, góp phần giữ gìn và xây dựng Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, biểu dương các công nhân đã hy sinh ngày nghỉ của mình vì Thủ đô sáng, xanh sạch, đẹp, an toàn, nhất là lúc mọi người nghỉ ngơi, vui Tết thì anh chị em lại phải làm việc, khối lượng công việc ngày Tết lại nhiều và vất vả hơn; đặc biệt là đối với phụ nữ, những người giữ thiên chức của người bà, người mẹ trong mỗi gia đình.
Thăm hỏi công việc, đời sống, thu nhập của người lao động công ty, chế độ đãi ngộ dịp Tết, Thủ tướng cho rằng nghề gì cũng có vất vả và vinh quang riêng và các công nhân là những người chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận bảo vệ môi trường.
Các công nhân vệ sinh môi trường bày tỏ xúc động được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, động viên; hứa với Thủ tướng luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, gác lại việc gia đình dịp Tết để giữ gìn, bảo vệ môi trường Thành phố. Các công nhân mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp hiệu quả hơn để mỗi người dân có ý thức tốt hơn trong bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, xử phạt nghiêm các trường hợp vứt rác bừa bãi.
Ghi nhận ý kiến này, Thủ tướng cho rằng việc giữ gìn môi trường sạch, đẹp cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, huy động sự chung tay của mỗi người dân. "Nếu biết ơn những người công nhân đã giữ gìn cho môi trường xanh sạch đẹp thì mỗi người cần đổ rác đúng chỗ, đúng giờ, giúp giảm bớt sự vất vả, khó nhọc của các công nhân", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng cần có hình thức tôn vinh phù hợp với những người làm công tác bảo đảm vệ sinh môi trường; mong Hà Nội và Công ty URENCO tiếp tục quan tâm hơn nữa tới đời sống của người lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ, các giải pháp mới trong công việc.
*Chúc Tết, tặng quà động viên người lao động tại Nhà máy nước Yên Phụ thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội, Thủ tướng đánh giá cao Công ty đã triển khai đồng bộ, đảm bảo tất cả các hoạt động bình thường dịp Tết; vận hành mạng lưới cấp nước lưu thông phân phối, bố trí phương tiện, thiết bị, xe téc cấp nước 24/24h để xử lý kịp thời các sự cố…; không để cho khu vực nào mất nước, thiếu nước trong dịp Tết.
Thủ tướng mong Công ty phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cấp nước đối Thủ đô Hà Nội và người dân; đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho cán bộ, công nhân viên, phát huy truyền thống 130 năm của đơn vị; bảo đảm cấp nước liên tục, thông suốt cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ quốc phòng-an ninh và các hoạt động khác.
Thủ tướng đề nghị Công ty tiếp tục đoàn kết, thi đua lao động sản xuất; áp dụng công nghệ nâng cao chất lượng nước; tiết kiệm nguyên liệu; nâng cao hiệu quả hoạt động. Thủ tướng cũng lưu ý làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới cấp nước, đa dạng hóa các nguồn cung nước, đa dạng hóa địa bàn, mở rộng hoạt động hơn nữa tới các địa bàn xa trung tâm...
Thủ tướng cũng chỉ đạo việc xã hội hóa lĩnh vực cấp nước phải bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước; đảm bảo an ninh, trật tự; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, sử dụng nước tiết kiệm; điều hành uyển chuyển, linh hoạt, kịp thời…; giá nước hướng theo quy luật thị trường, nhưng khi cần thiết phải có sự điều tiết của Nhà nước bằng các công cụ phù hợp, có chính sách phù hợp với những người nghèo, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh, Công ty Nước sạch Hà Nội phải bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ người dân Thủ đô, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu về cung cấp nước sạch, giảm tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch; trước mắt bảo đảm nước sạch cho người dân đón Tết và trong mùa hè năm 2024.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng kiểm tra dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.
Cùng đi với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu hành khách mỗi năm; gồm 1 tầng hầm, 4 tầng nổi, tổng diện tích 112.000 m2. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư, hiện dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng hơn 16ha theo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong bàn giao đất quốc phòng cho dự án.
Liên danh nhà thầu đã huy động trên 400 xe, máy, thiết bị và 1.400 công nhân để triển khai đồng loạt các công việc trên công trường. Tiến độ chung của dự án cơ bản bảo đảm kế hoạch, một số nội dung vượt tiến độ. Tuy nhiên, một số hạng mục cần đẩy nhanh tiến độ.
Qua kiểm tra hiện trường và nghe các báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng trước những kết quả đạt được trong công việc; sau khoảng 6 tháng khởi công nhà ga (31/8/2023), công trình đang dần rõ hình hài, thi công tới tầng thứ 3; phần thiết bị đã ký kết hợp đồng mua sắm; đường kết nối do TPHCM làm chủ đầu tư cũng cơ bản hình thành.
Đặc biệt, công nhân trên công trình rất phấn khởi, vui vẻ làm việc xuyên Tết, cũng như trên nhiều công trình trọng điểm trên cả nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng thắng mưa", thi công 3 ca, 4 kíp, "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương"…
Thủ tướng đề nghị các cơ quan, nhà thầu tập trung huy động nhân lực, phương tiện, ứng dụng các công nghệ hiện đại, bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, góp phần giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng của TPHCM và cả nước.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt hơn nữa, nỗ lực cao hơn nữa, rút ngắn hơn nữa thời gian thi công, phấn đấu hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng đúng dịp, chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025). Muốn vậy, phải xây dựng lại đường găng tiến độ cả về phần xây dựng và mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, phát động phong trào thi đua và động viên công nhân, người lao động.
Giao nhiệm vụ cho các cơ quan, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ACV và các nhà thầu tập trung thúc đẩy tiến độ, bảo đảm chất lượng. Bộ Xây dựng và các đơn vị tư vấn giám sát tiếp tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng. TPHCM phải bám sát, tăng cường chỉ đạo sát sao hoàn thành để đẩy nhanh tiến độ đường kết nối.
Đối với các hạng mục trong nhà ga liên quan tới an ninh, xuất nhập cảnh, thuế quan…, các, bộ ngành phụ trách từng lĩnh vực phải tích cực triển khai để khi công trình hoàn thành thì triển khai được ngay nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng sân bay theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, thuận tiện nhất cho du khách và gợi ý thêm một số nội dung như công trình phải có điểm nhấn hơn về mặt mỹ thuật, nhiều cây xanh, nhiều hoa hơn… Các cơ quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu thêm về phương án kết nối giao thông từ Tân Sơn Nhất với bên ngoài, đặc biệt là kết nối giữa Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo ACV báo cáo lại về tình hình thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và mở rộng ra các sân bay khác.
Điểm lại một số bài học kinh nghiệm từ dự án, Thủ tướng cho rằng tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó; lãnh đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân… Đặc biệt, không chia nhỏ gói thầu mà phải có tổng thầu để dễ kiểm soát tiến độ và chất lượng dự án.
Cũng tại cuộc làm việc, các cơ quan đã trao đổi ý kiến về nghiên cứu khả năng tiếp tục di dời các công trình trong khu vực dự án để tổng thể sân bay cũng như khu vực dự án khang trang, hiện đại, đồng bộ, thông thoáng và đẹp hơn./.