Sáng 22/8, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo".
Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Dự hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương, các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Tại hội nghị, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị quyết số 08; đồng chí Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo quá trình xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08; các đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phát biểu tham luận đề cập nhiều vấn đề quan trọng, với tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một hội nghị rất quan trọng, diễn ra vào thời điểm cả nước và toàn Đảng đang tích cực triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố quốc phòng, an ninh.
Thời gian qua, công nghiệp quốc phòng đã đạt được những kết quả quan trọng, sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, bảo đảm chất lượng, góp phần tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị, từng bước hiện đại hóa quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng quân đội.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặt ra những yêu cầu cấp thiết về công nghiệp quốc phòng của các quốc gia, trong đó có nước ta. Trong nước, kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, song vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ngày càng cao.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng và tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành công nghiệp quốc phòng, cụ thể hóa mục tiêu xây dựng quân đội đến năm 2025 cơ bản tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đồng thời góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ quán triệt, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn và chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng: Phát triển công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường; phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại dựa trên 3 yếu tố then chốt là: Tiềm lực khoa học công nghệ, nhân lực và xây dựng thể chế; phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng (phục vụ cả quân sự và dân sự); nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 08 đã đề ra.
Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần tiếp tục nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của nghị quyết; nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện, từ đó tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Coi trọng kết hợp xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong chiến lược xây dựng, phát triển công nghiệp quốc gia. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về phát triển công nghiệp quốc phòng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hình thức hợp tác, chuyển giao công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ.
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đến đúng đối tượng, đảng viên và cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình, bước đi vững chắc, phù hợp để triển khai thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả.
Lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương cần nắm vững, hiểu sâu, thực hiện đúng, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 08; tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, thống nhất cao ý chí và hành động để phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương, đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang tiếp thu, lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển, ngành quân giới - công nghiệp quốc phòng Việt Nam luôn được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Các quan điểm chỉ đạo về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã trở thành những nguyên tắc cơ bản, lâu dài, được kế thừa, khẳng định và phát triển trong các nghị quyết về công nghiệp quốc phòng. Quân ủy Trung ương đã nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Nghị quyết này đã kế thừa và phát triển các luận điểm mới về công nghiệp quốc phòng Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là định hướng chiến lược và các giải pháp then chốt để thích ứng với tình hình mới.
Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu, ngay sau hội nghị, các cấp uỷ, tổ chức đảng phải nhanh chóng tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 08, nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi, để thấy rõ Nghị quyết số 08 là nội dung rất cơ bản, quan trọng liên quan mật thiết đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Phan Văn Giang đề nghị các bộ, ngành, cơ quan phải khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hoá nội dung của nghị quyết thành chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn và khả thi; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, các ban đảng Trung ương, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo phối hợp cụ thể hoá các nội dung Nghị quyết số 08, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý một cách đồng bộ, thống nhất để việc thực hiện Nghị quyết số 08 trong thực tiễn được toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra./.
Hà Văn