In bài viết

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7

(Chinhphu.vn) - Ngày 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 được kết nối trực tuyến tới các địa phương.

04/08/2022 07:24

Tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư.

* Trong buổi sáng, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các báo cáo và ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất đánh giá, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ và tác động lớn đến trong nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, quyết liệt xử lý các công việc tồn đọng, kéo dài, nhất là các dự án yếu kém.

Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 7 và 7 tháng tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố và tăng cường niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới chủ yếu do các biến thể mới song trong nước, dịch bệnh cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên toàn quốc.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được chú trọng. Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tổ chức an toàn, hiệu quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đã hỗ trợ 728.500 lượt người sử dụng lao động và 50 triệu lượt người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng kinh phí trên 82.100 tỷ đồng. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện, tỉ lệ hộ có thu nhập không đổi và tăng lên là 81,6%.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, xử lý kịp thời, phù hợp các vấn đề phát sinh. Thông tin truyền thông được tăng cường; kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc hại...

Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài được chỉ đạo giải quyết (như phương án xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án trong 12 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Hồ thủy lợi Bản Mồng).

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế uy tín đã đánh giá cao kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam. Theo báo cáo mới đây, chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 các quốc gia trên bảng xếp hạng, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm. Việt Nam vừa được bầu là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ-cơ chế điều hành, giám sát việc thực hiện Công ước 2003-nhiệm kỳ 2022-2026 của UNESCO, với số phiếu cao.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bài bản. Trong tháng 7, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 14 nghị quyết; 7 văn bản quy phạm pháp luật (5 nghị định, 2 quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng). Tính chung 7 tháng, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 6 luật, 4 nghị quyết ; ban hành 93 nghị quyết; 66 văn bản quy phạm (49 nghị định, 17 quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng).

Thống nhất với các đánh giá về những thành tựu, kết quả đạt được, Thủ tướng nêu nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, 41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước.

Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; khó khăn về vốn, tín dụng...

Đời sống một bộ phận người dân khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiệt hại do thiên tai tăng, tổng giá trị thiệt hại 5.624,5 tỷ đồng (gấp 7,3 lần cùng kỳ năm 2021).

Số ca mắc COVID-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới. Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trong số các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa bám sát công việc, kiểm tra đôn đốc và đôi khi còn lơ là, chủ quan.

Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính; hết sức bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, phát huy kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân để có nguyên nhân, giải pháp phù hợp.

Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không".

Theo đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. Việc tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả rất có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ hiện nay.

Hai nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân cùng với tăng cường phòng chống tăng cường tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.

Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.

Một kiên quyết không là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, tập trung công tác hoàn thiện thể chế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội.

Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

Chú trọng phát triển văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế.

Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Tăng cường thông tin-truyền thông, tạo động lực, cảm hứng và niềm tin cho nhân dân, ngăn chặn, vô hiệu hóa các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, sai sự thật, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; các cơ quan báo chí và truyền thông phải có kế hoạch truyền thông cụ thể, bài bản, chuyên nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ, từ kinh nghiệm "xương máu", vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, lá chắn hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch; cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vacccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng; theo sát diễn biến, sẵn sàng các phương án, kịch bản, nhân lực, trang thiết bị vật tư, y tế phục vụ khám chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc và ở từng địa bàn.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, trong tình hình mới với những diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, nhiệm vụ là rất nặng nề, đề nghị các cấp, các ngành phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, vai trò tập thể lãnh đạo và trách nhiệm người đứng đầu, bám sát tình hình thực tiễn, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả, phát hiện kịp thời, xử lý các vấn đề phát sinh, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Về các kiến nghị, Thủ tướng đề nghị các địa phương gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tập hợp, các cơ quan đưa ra lộ trình, phương án xử lý kịp thời, hiệu quả, tránh ách tắc.

* Trong buổi chiều 3/8, Chính phủ tiếp tục nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm tổng hợp kết quả 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công) và tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Các ý kiến tại phiên họp khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định giải ngân vốn đầu tư công là công việc trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.

Để chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 nghị quyết (trong đó có 2 nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 3 công điện, 7 văn bản; tổ chức 1 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, theo các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 31/7/2022 là 186.848,16 tỷ đồng, mới đạt đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân tốt, đạt trên 50% và phê bình các đơn vị giải ngân dưới mức bình quân của cả nước. Trong nhiều năm qua, tỉ lệ giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm thường đạt khoảng 35-40%. Tỉ lệ giải ngân cả năm của 2 năm 2020 và 2021 có tiến bộ hơn năm trước.

Thủ tướng nêu rõ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm khó; năm 2022, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công càng lớn khi lượng vốn đầu tư công (542.000 tỷ đồng) gấp hơn 2,5 lần năm 2016 (204.000 tỷ đồng) và nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021, do ngoài vốn đầu tư trung hạn còn có nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ, dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hơn, có biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình và yêu cầu công việc.

Cơ bản đồng tình với các giải pháp theo các báo cáo và phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Theo đó, phải đề cao hơn nữa trách nhiệm Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Các bộ ngành, địa phương tự rà soát lại các thủ tục, công việc cần triển khai để chỉ đạo thực hiện đúng quy định, tránh tiêu cực, tham nhũng; rà soát các quy định thuộc phạm vi quản lý, nếu thuộc thẩm quyền thì sửa ngay, nếu thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đề xuất Chính phủ và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh vốn giữa các bộ ngành, địa phương; các bộ, ngành, địa phương tự điều chỉnh vốn trong nội bộ. Các bộ, ngành, địa phương chưa làm tốt thì phải khiêm tốn, cầu thị, học hỏi, tham khảo các mô hình, cách làm của những nơi làm tốt như thành lập các tổ công tác, đôn đốc, giao ban hằng tháng…

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về nội dung này, tạo chuyển biến thực sự trong thời gian tới./.