Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát huy nhân tố “đất võ, trời văn”
Tỉnh có điều kiện thuận lợi để trở thành đầu mối, trung tâm phát triển dịch vụ của vùng về dịch vụ vận tải, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa, dịch vụ cảng biển, logictics…
Bình Định còn có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, ngư trường lớn, nguồn lợi hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao; tiềm năng lớn về phát triển du lịch với bờ biển 134 km với nhiều bãi biển đẹp; có hệ thống đảo, bán đảo, mũi đá tạo cảnh quan đẹp phục vụ ngắm cảnh, vui chơi giải trí (32 đảo, nhiều đảo có giá trị phát triển du lịch như: Cù lao Xanh, Hòn Khô, Hòn Đất, Hòn Tranh và Hòn Rùa, bán đảo Phương Mai - Núi Bà đã được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia...).
Ý kiến thành viên đoàn công tác góp ý tỉnh cần quan tâm đến du lịch, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển công nghiệp phụ trợ cho nghề biển và công nghiệp chế biến thủy hải sản, trung tâm dịch vụ cảng và vận tải, logistics.
“Tôi đã xem bảng chi tiêu của tỉnh, kinh tế -xã hội phát triển toàn diện, mang lại dấu ấn mạnh mẽ”, Thủ tướng nhìn nhận và đánh giá cao tinh thần vượt khó, quyết tâm của Bình Định trong bối cảnh gặp thiên tai liên tiếp trong cả năm 2016 và 2017.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng. Năng lực sản xuất tăng thêm hết sức đáng mừng. Một số thương hiệu lớn đã vào Bình Định. Sản xuất thủy sản tăng nhanh. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới như cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa, chuỗi sản xuất cây dược liệu dưới tán rừng, chuỗi sản xuất cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản… Du lịch Quy Nhơn thành thương hiệu ấn tượng. “Bình Định có khởi sắc, nhất là có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tăng trưởng trong tương lai”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng của tỉnh có dấu hiệu chậm lại (năm 2017 đạt 6,72% so với 7,7% năm 2016) và dưới mức tiềm năng. Khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhiều dự án chậm triển khai.
Tỷ lệ hộ nghèo cao (10,65% trong khi cả nước khoảng 6,9%). Cải cách hành chính còn hạn chế; một số công trình dở dang gây bức xúc.
Quản lý chặt chẽ 134 km bờ biển quý giá
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định phải có sự quyết tâm, thể hiện khát vọng phát triển với quan điểm tăng trưởng bao trùm. Đây là nhân tố quan trọng tạo động lực chung cho cả tỉnh. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng có tâm huyết, có khát vọng thì mới sáng tạo và có hành động mạnh mẽ”, Thủ tướng nêu rõ.
Sự phát triển Bình Định cần đặt trong mối quan hệ với cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên để khai thác lợi thế về địa kinh tế của tỉnh. Việc quy hoạch các ngành kinh tế cần đặt trên quan điểm kinh tế mở nhằm khai thác lợi thế chung của cả vùng. Xem xét để làm rõ hơn quy hoạch phát triển cảng, sân bay- trái tim của nền kinh tế và nòng cốt của sự phát triển Bình Định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ dâng hoa tại tượng đài Nguyễn Sinh Sắc-Nguyễn Tất Thành. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cần quy hoạch quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn 134 km bờ biển quý của tỉnh nhà. Quy hoạch theo hướng những năm tới đây thì du lịch là lĩnh vực quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định. Có giải pháp xử lý hiệu quả xung đột giữa công nghiệp, du lịch, dịch vụ và môi trường. Công tác này phải bắt đầu từ quy hoạch, không để mâu thuẫn, cản trở, triệt tiêu lợi thế của địa phương trong phát triển.
Cần tập trung phát triển cả 4 trụ cột kinh tế, đó là những lợi thế vượt trội của Bình Định, gồm ngư nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng, logistics, du lịch và công nghiệp chế biến. Phát triển có hiệu quả cảng Quy Nhơn.
Trong phát triển du lịch, phát huy nhân tố đặc sắc của Bình Định mà ai cũng biết “đất võ trời văn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế lớn, biến cá ngừ đại dương thành thương hiệu lớn của Bình Định. Chú trọng thu hút đầu tư vào chế biến thủy sản, hệ thống kho bảo quản, kho cấp đông để nâng giá trị sản phẩm.
Đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo người có công; thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội.
Không chỉ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tiếp tục giải quyết tình trạng nhà đầu treo, dự án treo. Bình Định phải cụ thể hóa chương trình hành động của Chính phủ với phương châm “10 chữ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến, giải quyết một số kiến nghị của Bình Định trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tỉnh.
Tỉnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư dự án kéo điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu và triển khai dự án trong năm 2018 để sớm cấp điện cho xã đảo này.
Xã đảo có dân số 2.500 người (khoảng hơn 500 hộ gia đình). Trong những năm qua, đời sống nhân dân trên đảo gặp rất nhiều khó khăn do không có điện... dân cư ở xã đảo đang ngày càng giảm dần do muốn di chuyển vào đất liền để làm ăn, sinh sống thuận lợi hơn. Cho ý kiến về vấn đề này Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của tỉnh, bảo đảm năm 2018 có điện cho bà con.
Thủ tướng tới thăm Nhà máy sản xuất tôn Hoa Sen tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trước đó, tại quảng trường trung tâm TP. Quy Nhơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã đến dâng hoa tại tượng đài Nguyễn Sinh Sắc-Nguyễn Tất Thành, là tượng đài đầu tiên trong cả nước về Bác Hồ và phụ thân của Người. Bình Định là nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành chia tay cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc trước khi cụ về Huế, rồi vài tháng sau Người đi vào Nam, lên tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Nhà máy sản xuất tôn Hoa Sen tại Khu kinh tế Nhơn Hội; quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn và thị sát tuyến Quốc lộ 19 mới đang thi công, nối từ cảng Quy Nhơn đến Quốc lộ 1A.
Đức Tuân