Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 498/TB-VPCP ngày 1/12/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ Khai khóa-2023 và buổi làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và kết quả tích cực mà các thế hệ lãnh đạo, tập thể cán bộ, nhà khoa học, giảng viên, người lao động, học viên, sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong 28 năm xây dựng và phát triển, trở thành một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, kinh tế - luật, khoa học sức khỏe, sư phạm, nông nghiệp…; khẳng định vị thế tiên phong trong nền giáo dục đại học Việt Nam, từng bước chuẩn hóa và hội nhập với khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu hướng bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình được nhiều quốc gia lựa chọn; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, có nhiều đột phá mới, tác động sâu rộng và đa chiều, giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức mới:
(i) Áp lực tự điều chỉnh, đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực mới nổi như công nghiệp chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, hydrogen…;
(ii) Toàn cầu hóa, sức cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài ngay tại Việt Nam;
(iii) Vấn đề cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học… Kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia phát triển cho thấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là động lực tăng trưởng mới; giáo dục đại học là trụ cột quan trọng cho sự phát triển này.
Hiện nay, chúng ta đang cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh và bền vững; chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi; trong đó, phấn đấu đào tạo được 50 - 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030. Các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong thực hiện mục tiêu đào tạo tìm kiếm nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: "Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á".
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm hoàn thiện Đề án "Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á" để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để đến năm 2030, nằm trong nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, góp phần quan trọng trong kiến tạo động lực tăng trưởng mới nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các Bộ, ngành có liên quan, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương cần lưu ý và thực hiện một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp, bám sát quy hoạch và nhu cầu phát triển của đất nước, của ngành, của địa phương; đào tạo đến đâu, sử dụng đến đấy; đào tạo "trúng" và "đúng"; tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà đất nước, xã hội, thị trường lao động cần.
Thứ hai, nghiên cứu khoa học phải căn cứ vào những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; bao gồm cả những vấn đề nghiên cứu về thể chế, xu thế của thời đại, những vấn đề mới nổi, những vấn đề có tính dự báo.
Thứ ba, sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực lớn nhất là con người, với hai đối tượng chính là đội ngũ giảng viên và đội ngũ sinh viên.
Thứ tư, đẩy mạnh việc thương mại hoá các sản phẩm của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có các công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm của sinh viên.
Thứ năm, quản trị hệ thống đào tạo, bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ sáu, hoàn thành quy hoạch, giải phóng mặt bằng để triển khai các đề án, dự án xây dựng cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao 100% mặt bằng sạch cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, các địa phương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ bảy, xây dựng cơ chế chính sách hoạt động phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và các điều kiện cụ thể khác đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đạt mục tiêu đã đề ra.
Thứ tám, cần xây dựng chương trình, dự án, đề án huy động nguồn lực đi kèm với mục tiêu, giải pháp, mô hình hợp tác cụ thể, trong đó có giải pháp về tài chính nêu rõ nguồn lực từ Nhà nước, địa phương, hợp tác đối tác công tư.
Về các kiến nghị của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, giao các Bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương theo chức năng, nhiệm vụ xem xét, xử lý các kiến nghị của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo thẩm quyền và quy định pháp luật, hoàn thành trước tháng 6 năm 2024; trong đó lưu ý đối với các nội dung ủy quyền, thực hiện ủy quyền tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép; đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ, đề nghị báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền với thời hạn và nội dung cụ thể.