Việt Nam có nguồn cây dược liệu tự nhiên đa dạng và phong phú, với khoảng 5 nghìn loài cây cho công dụng làm thuốc. Sâm Ngọc Linh (hay còn gọi là sâm Việt Nam) là loại dược liệu quý, có nhiều tác dụng như chống trầm cảm, bồi bổ sức khỏe, phục hồi sự suy giảm chức năng, kháng các độc tố…
Với tiềm năng và giá trị của sâm Ngọc Linh, để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam (chủ yếu là sâm Ngọc Linh) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 6/6/2023.
Thủ tướng ân cần hỏi thăm tình hình đời sống của bà con - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong đó, Kon Tum và Quảng Nam được xác định là 2 tỉnh sản xuất sâm Ngọc Linh với quy mô hàng hóa và nằm trong vùng phát triển dược liệu tập trung quốc gia, với 10 loài dược liệu ưu tiên tập trung phát triển. Tỉnh Kon Tum đã phát triển được hơn 1,8 nghìn ha sâm Ngọc Linh, với mô hình đa dạng, điển hình nhất là liên kết với người dân, trong đó có bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng chung vui cùng bà con trong các làn điệu âm nhạc dân tộc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hoan nghênh các mô hình, kết quả đạt được trong sản xuất sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình đã có để làm tốt hơn trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, phát huy mạnh mẽ hơn nữa việc liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối) để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh xây dựng, phát triển ngành công nghiệp sâm.
Thủ tướng khảo sát tại vườn sâm Ngọc Linh, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong đó, cấp tỉnh, huyện, xã cần tiếp tục coi trọng việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh; tiến hành rà soát, xây dựng và triển khai tốt công tác quy hoạch. Người dân liên kết, thành lập các hợp tác xã, tiến hành sản xuất lớn. Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ về vốn. Các doanh nghiệp đầu tư, lo vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu đa dạng, phát triển thương hiệu… Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu về giống, nguồn gen, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, chế biến, phát triển sản phẩm.
Thủ tướng nhấn mạnh hai vấn đề cần tháo gỡ hiện nay. Thứ nhất là nghiên cứu để tháo gỡ pháp lý về việc nuôi trồng dưới tán rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Thứ ha là nghiên cứu cơ chế, chính sách để khai thác tối đa giá trị, phát huy hiệu quả hơn nữa của sâm, chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau.
Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, giao đất, giao rừng cho bà con theo đúng quy định, để người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phát huy, khai thác tối đa tiềm năng của rừng và hưởng lợi từ rừng, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, từ đó góp phần tích cực phát triển kinh tế- xã hội địa phương và đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Hà Văn