In bài viết

Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia

(Chinhphu.vn) - Chiều 7/3, tại Canberra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện ngoại giao và đại diện cộng đồng người Việt tại Australia.

07/03/2024 16:48
Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện ngoại giao và đại diện cộng đồng người Việt tại Australia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Australia đón Thủ tướng với nghi thức đặc biệt

Báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác, Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm nhấn mạnh, chuyến thăm lần này của Thủ tướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, với việc hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Phía Australia đã dành cho Thủ tướng và đoàn sự đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo, với những nghi lễ ngoại giao đặc biệt vượt mức thông thường.

Thông tin về một số nét nổi bật trong quan hệ hai nước, Đại sứ cho biết, đến nay đã 4/8 bang, vùng lãnh thổ của Australia đặt văn phòng đại diện thương mại tại Việt Nam. Việt Nam nằm trong 10 điểm đến hàng đầu của du khách Australia, số lượng lưu học sinh, sinh viên Việt Nam tại Australia có 32.000 người.

Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã nêu rõ người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày càng nhiều trí thức Việt kiều tích cực hướng về quê hương, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và quan hệ song phương. Đại sứ nhắc tới những hoạt động và đóng góp nổi bật của các hội đoàn người Việt Nam tại Australia, như Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, Hội Doanh nhân Việt Nam… Viện Chính sách Việt Nam và Australia mới đây cũng vừa được thành lập tại Đại học RMIT.

Các ý kiến tại cuộc gặp bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Đại sứ quán với cộng đồng người Việt; khẳng định bà con ta tại Australia luôn phát huy truyền thống đoàn kết, "tương thân tương ái", giúp đỡ lẫn nhau để ổn định cuộc sống và luôn hướng về nguồn cội, quê hương với tinh thần "uống nước nhớ nguồn".

Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng bà con người Việt sân bay Canberra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với khoảng 350.000 người Việt Nam tại Australia, đây là cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn thứ 3 sau Hoa Kỳ và Nhật Bản, là cộng đồng nước ngoài lớn thứ 5 tại Australia, tiếng Việt cũng là ngôn ngữ phổ biến thứ 4 tại đây và đã được đưa vào tất cả các trường trung học như một ngoại ngữ.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia cho biết, ông đã đi 700 km từ Melbourne tới Canberra để tham dự cuộc gặp. Theo ông, cộng đồng người Việt tại Australia được đánh giá là khá thành công, hội nhập tốt, ngày càng thành đạt. "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, vì chúng tôi không thể thay đổi hình dáng và trái tim Việt Nam trong mình", ông xúc động nói.

Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia- Ảnh 4.

Thủ tướng chia sẻ với kiều bào những yếu tố nền tảng, những nét lớn trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các ý kiến bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của đất nước những năm qua với sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Nhà nước.

"Đất nước vẫn vững vàng trước sóng gió. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy sự bản lĩnh và quyết liệt, với những thông điệp như 'bắt tay ngay vào công việc', 'chỉ bàn làm, không bàn lùi', 'không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm'… và luôn cầu thị lắng nghe", PGS. Chu Hoàng Long, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà khoa học Việt Nam tại Canberra nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia- Ảnh 5.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, đại diện du học sinh và bà con kiều bào tại Australia đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Canberra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PGS. Chu Hoàng Long nhắc lại kỷ niệm, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ triển khai chiến lược vaccine COVID-19 trong lúc việc đi lại hạn chế gần như tuyệt đối, để góp phần hưởng ứng, đại diện cộng đồng người Việt đã gửi thư đề nghị và nhận được hồi đáp từ Bộ Ngoại giao Australia. Điều này đã góp phần vào việc Australia trở thành một trong những nước hỗ trợ nhiều nhất về vaccine cho Việt Nam.

Kiều bào cũng bày tỏ hết sức phấn khởi trước việc nâng cấp quan hệ hai nước, mở ra những cơ hội mới trong giao thương và phát triển cộng đồng người Việt; đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị để tạo thuận lợi hơn nữa cho kiều bào phát huy vai trò làm cầu nối giữa hai nước và đóng góp nhiều hơn cho quê hương. Trong đó, PGS. Chu Hoàng Long đề xuất thành lập giải thưởng của Nhà nước trao cho các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài.

Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia- Ảnh 6.

Kiều bào bày tỏ hết sức phấn khởi trước việc nâng cấp quan hệ hai nước, mở ra những cơ hội mới trong giao thương và phát triển cộng đồng người Việt; nêu một số đề xuất để tạo thuận lợi hơn nữa cho kiều bào phát huy vai trò làm cầu nối giữa hai nước và đóng góp nhiều hơn cho quê hương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

'Luôn xứng đáng là người Việt Nam, luôn tự hào là người Việt Nam'

Xúc động chia sẻ với các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sự có mặt của đông đảo kiều bào và những phát biểu tại cuộc gặp đều thể hiện trách nhiệm cao, tình cảm chân thành, truyền cảm hứng, tạo động lực cho các thành viên đoàn công tác tiếp tục nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã nêu rõ người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn những đóng góp quan trọng, tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào những thành tựu chung của đất nước.

Điểm lại những dấu ấn, thành tựu lớn trong phát triển, đối ngoại và hội nhập của đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, trong thế kỷ 20, có lẽ không có đất nước nào chịu nhiều đau khổ, mất mát như Việt Nam, nhưng chúng ta đã vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia- Ảnh 7.

Thủ tướng và Phu nhân tặng quà lưu niệm cho Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Australia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh hạn chế nhưng độ mở có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng ảnh hưởng lớn tới bên trong.

Thủ tướng chia sẻ với kiều bào những yếu tố nền tảng, những nét lớn trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Về quan hệ song phương, Thủ tướng cho biết hai nước Việt Nam-Australia vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất – quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và qua trao đổi trong chuyến thăm lần này, các nhà lãnh đạo Australia luôn đề cập tới cộng đồng người Việt. Việc triển khai khuôn khổ hợp tác mới giữa hai nước cũng sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt tại đây.

Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia- Ảnh 8.

Thủ tướng mong bà con tiếp tục đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh; có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về cội nguồn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, Thủ tướng đã đề nghị Australia xem xét, công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ thêm, các nhà lãnh đạo Australia ghi nhận, đánh giá cao và cho biết sẽ tích cực xem xét ý tưởng này.

Phản hồi về các đề xuất của kiều bào, Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng xây dựng cộng đồng đổi mới sáng tạo tại Australia; giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về giải thưởng về khoa học-công nghệ cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng mong bà con tiếp tục đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh; nêu cao lòng tự hào dân tộc, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật và đóng góp cho phát triển ở sở tại; tiếp tục làm cầu nối ngày càng vững chắc trong quan hệ song phương; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt; có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa hướng về cội nguồn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng đề nghị công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số tại Australia- Ảnh 9.

Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần "coi công việc của bà con như việc nhà mình, coi bà con như người thân ruột thịt của mình" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng mong muốn kiều bào dù sống ở đâu cũng trước hết tự lo được cho chính mình, cho gia đình và sau đó là hướng về quê hương, đất nước, "Chúng ta luôn xứng đáng là người Việt Nam, luôn tự hào là người Việt Nam", Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần "coi công việc của bà con như việc nhà mình, coi bà con như người thân ruột thịt của mình".

Hà Văn