Lãnh đạo hai bên bày tỏ hài lòng với sự phát triển quan hệ và thành quả hợp tác, nhất là từ khi hai bên thiết lập Đối tác chiến lược năm 2014 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2021. Australia là Đối tác đối thoại đầu tiên và cũng là một trong những đối tác đầu tiên thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN.
Quan hệ hai bên đang phát triển năng động trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển, trong đó năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 101 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm 2021; đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Australia vào ASEAN đạt hơn 2 tỷ USD, tăng gấp 6,5 lần so với năm 2021, gần đạt mức trước đại dịch COVID-19. Australia cũng là một trong những đối tác hàng đầu hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, cung cấp học bổng cho sinh viên các nước ASEAN, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật giúp tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng Mekong...
Trao đổi về những định hướng phát triển quan hệ thời gian tới, hai bên nhất trí cần nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thông qua triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) mới được nâng cấp và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thương mại điện tử, kết nối… trở thành động lực tăng trưởng mới cho quan hệ kinh tế.
ASEAN hoan nghênh Australia công bố bổ sung 222,5 triệu AUD cho hợp tác với các nước tiểu vùng Mkong, lập Quỹ đầu tư trị giá 2 tỷ AUD và các sáng kiến khác nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư với các nước ASEAN thời gian tới.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chính trị-an ninh, quốc phòng, hợp tác biển, an ninh mạng, nhất là trong khuôn khổ các cơ chế, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như EAS, ARF và ADMM+, đóng góp định hình cấu trúc khu vực dựa trên pháp luật với ASEAN đóng vai trò trung tâm, triển khai hợp tác trên cơ sở Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP); cũng như đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, lao động, du lịch, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, nhất là giữa thanh niên và lãnh đạo trẻ hai bên...
Australia cũng công bố bổ sung 40 triệu AUD cho Chương trình Đối tác biển Đông Nam Á, nâng tổng số tài trợ thành 64 triệu AUD cho 4 năm tới; cấp 55 học bổng thạc sĩ và 55 học bổng nghiên cứu sinh thuộc khuôn khổ Sáng kiến “Australia vì Tương lai ASEAN”; lập Trung tâm ASEAN - Australia để thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục giữa hai bên…
Nhận định tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; bất ổn, xung đột gia tăng ở nhiều nơi trong đó có xung đột Nga-Ukraine, dải Gaza, Biển Đỏ, Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên..., hai bên nhất trí hơn bao giờ hết cần đề cao văn hóa đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột, vai trò của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong ứng xử và trong hợp tác cùng đối phó với thách thức chung.
Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, sớm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đưa Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị; đánh giá cao quan hệ gần gũi và lâu đời giữa ASEAN và Australia và sự hợp tác, hỗ trợ của Australia đối với ASEAN 50 năm qua.
Thủ tướng đề xuất ba đột phá và ba tăng cường cho quan hệ ASEAN-Australia thời gian tới. Theo đó, hai bên cần đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại trong 10 năm tới; đột phá trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và hợp tác lao động; đề nghị ASEAN và Australia sớm lập cơ chế tham khảo để trao đổi các biện pháp cụ thể; đột phá trong hợp tác về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và những ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đề xuất nghiên cứu khả năng đàm phán Hiệp định kinh tế số ASEAN-Australia.
Hai bên cần tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực, đề cao văn hóa đối thoại và hợp tác, thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, khuyến khích các nước lớn đóng góp có trách nhiệm với khu vực; tăng cường hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển vì phát triển bao trùm, bền vững, nhất là trong các dự án kết nối hạ tầng chiến lược, giúp tạo chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội tại các tiểu vùng nghèo, chậm phát triển của ASEAN; tăng cường hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân, phát huy thế mạnh của hơn 1 triệu người gốc ASEAN, trong đó có hơn 350.000 người gốc Việt tại Australia, góp phần tăng cường hiểu biết, đồng cảm và gắn kết, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ hai bên, qua đó củng cố nền tảng xã hội lâu dài, bền chặt cho quan hệ.
Tại Phiên họp hẹp, trên tinh thần chia sẻ tầm nhìn, cộng hưởng nguồn lực và cùng nhau hành động vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định lâu dài và phát triển bền vững trong tương lai, Thủ tướng đề xuất 3 cùng giữa ASEAN và Australia để thúc đẩy tầm nhìn khu vực với 3 khía cạnh là: Cùng xây dựng một khu vực đoàn kết và tự cường, có khả năng chống chịu trước những cú sốc, biến động từ cả bên trong và bên ngoài và tận dụng hiệu quả các xu thế mới, đột phá như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo… để đẩy nhanh tăng trưởng toàn diện, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; cùng thúc đẩy một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế và hành xử dựa trên luật lệ, trong đó các nước tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN và thúc đẩy xây dựng các quy tắc và chuẩn mực ứng xử mới, trong đó có COC thực sự thực chất, hiệu quả, góp phần đưa Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; và cùng xây dựng, định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, đề cao chủ nghĩa đa phương với ASEAN đóng vai trò trung tâm, là nhân tố nòng cốt giúp quy tụ và hài hòa lợi ích giữa các nước lớn.
Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo hai bên đã thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn của Lãnh đạo ASEAN - Australia - Đối tác vì hòa bình và thịnh vượng” và “Tuyên bố Melbourne - Đối tác vì tương lai”, đề ra tầm nhìn về tương lai cũng như định hướng phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới.
* Nhân dịp này, Australia tổ chức chuỗi các sự kiện theo bốn chủ đề chính gồm kinh tế, hợp tác biển, lãnh đạo trẻ và biến đổi khí hậu. Tại các sự kiện, Australia khẳng định sẽ đẩy mạnh triển khai Chiến lược kinh tế Đông Nam Á 2040, nhất là các biện pháp để tăng thương mại, đầu tư, rỡ bỏ các rào cản cả về thuế và phi thuế, nâng cao năng lực và kỹ năng cũng như tăng cường nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp Australia về cơ hội phát triển của ASEAN.
Australia nhấn mạnh không gian biển là “trung tâm” của lợi ích và thịnh vượng chung của khu vực; đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982; mong muốn cùng ASEAN “định hình thói quen hợp tác” trở thành đặc trưng của khu vực.
Đại diện Australia coi lãnh đạo trẻ là nhân tố quyết định, đóng góp vào hiện thực hóa tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, hòa bình và thịnh vượng; coi hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng với ASEAN là xu hướng tất yếu và cơ hội để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, tiềm năng như năng lượng sạch, công nghệ xanh, phát triển hệ sinh thái xe điện…
Hà Văn