Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Trước khi dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, kiểm tra Ga Hà Nội và đoàn tàu khách chất lượng cao của Tổng Công ty.
Theo báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị, năm 2023, hoạt động của ngành đường sắt đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, tạo nhiều dấu ấn; kinh doanh vận tải bắt đầu có lãi; đời sống vật chất, tinh thần người lao động được cải thiện rõ rệt.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông chủ động yêu cầu làm việc và tham dự Hội nghị của Tổng công ty. Lý do là thời gian qua, ông đã nhìn thấy sự thay đổi tích cực sau khi Tổng Công ty có ban lãnh đạo mới, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Thành viên Đặng Sỹ Mạnh. Mặt khác, ngành đường sắt đã trải qua hơn 140 năm hình thành và phát triển nhưng sự phát triển vẫn chưa xứng tầm với lịch sử và mong muốn của nhân dân.
Thủ tướng cũng cho biết đã có nhiều ấn tượng, cảm xúc và trăn trở với ngành đường sắt ngay từ khi nhậm chức với mong muốn vực dậy ngành này, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành giao thông. Ngành đường sắt đã trải qua nhiều mô hình quản lý, phát triển, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện để giải quyết bài toán không thua lỗ, bảo toàn và phát triển về tài sản, nguồn tài chính và nhất là nguồn lực con người.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được với nhiều tiến bộ trong năm 2023 của Tổng Công ty, như doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty đạt 101,7% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 115% kế hoạch, thu nhập bình quân người lao động đạt 105,2% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 150% kế hoạch. Đặc biệt, Thủ tướng ấn tượng với phong trào, khẩu hiệu "Mỗi cung đường-Một loài hoa; Mỗi khu ga-Một điểm đến".
Tới Ga Hà Nội để "xem có gì mới", Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi với công nhân, hành khách đường sắt và được cho biết những đổi mới của ngành như các tòa tàu mới đẹp hơn, ga khang trang, sạch đẹp hơn, mua vé nhanh hơn, thuận tiện hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn…
Những thay đổi của ngành đường sắt cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng…
"Cũng ngần ấy tài sản, cũng ngần ấy con người, cơ chế chính sách chưa thay đổi nhiều nhưng với cách làm mới, tư duy mới, cơ cấu lại nguồn vốn, quản trị, con người, lãnh đạo... thì chất lượng, hiệu quả, ý thức con người có thay đổi, từ lỗ chuyển sang lãi. Chúng ta không say sưa, thỏa mãn với những kết quả đạt được, lơ là, chủ quan với tình hình, nhưng từ khí thế này, chúng ta quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2023", Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vấn đề tồn đọng tại nhiều dự án yếu kém, thua lỗ, kéo dài.
Bên cạnh những kết quả, Tổng Công ty Đường sắt còn một số tồn tại, hạn chế như mức độ cơ giới hóa chưa cao, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, đầu máy, toa xe hiện có chưa có khả năng đáp ứng nếu nâng cao tốc độ chạy tàu trên 100 km/h…
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải có tư tưởng mới, quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới, tạo đột phá phát triển ngành đường sắt với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 178/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai Kết luận số 49 của Bộ Chính trị; đặc biệt là về chủ trương xây dựng, phát triển đường sắt tốc độ cao
Kết luận số 49 đã đặt mục tiêu "Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn".
Thủ tướng nhấn mạnh: Để thực hiện các mục tiêu này, tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Lựa chọn nào hiệu quả thì làm, ai làm hiệu quả thì giao việc, khi nào hiệu quả thì bắt đầu. Những băn khoăn, trăn trở, lo lắng về hệ thống đường sắt phải biến thành hành động, sản phẩm, chương trình, đề án, dự án cụ thể, mang lại thay đổi, hiệu quả cụ thể.
Thủ tướng cũng khẳng định, việc phát triển đường sắt tốc độ cao "không làm không được", phải quyết tâm làm và sẽ làm được. Bởi ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm "đi sau nhưng về trước", tận dụng lợi thế của người đi sau, đi nhanh hơn và bền vững hơn. Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng Công ty Đường sắt và các cơ quan liên quan quyết tâm trình để được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao.
Để huy động nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế thời đại, công nghệ hiện đại. Thủ tướng gợi ý, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, do đó, phải huy động hợp tác công-tư, tham khảo kinh nghiệm các nước, khai thác hiệu quả nguồn lực từ nguồn nhân lực 22.000 người, gần 300 nhà ga, nguồn lực đất đai, tiềm năng du lịch của cung đường sắt đẹp nhất thế giới…, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu củng cố, phát huy đoàn kết, thống nhất, quyết tâm trong nội bộ Tổng Công ty, trong ngành đường sắt, sự bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu; dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các cơ quan, hợp tác đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác như Tập đoàn Hóa chất, các doanh nghiệp du lịch…
Thủ tướng yêu cầu cần chú trọng phát huy các tiềm năng, lợi thế của ngành và thúc đẩy các động lực phát triển mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp và năng lực thực thi của cấp dưới, cắt giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không để cơ chế xin cho…
"Phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng phát biểu.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả sứ mệnh, vai trò nòng cốt trong quản lý, sử dụng khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại; khẩn trương triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; khẩn trương, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thành việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, ứng dụng thành công chuyển đổi số, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đẩy mạnh công tác đầu tư; chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề tồn đọng như liên quan dự án đường sắt Yên Viên-Hạ Long…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng với Tổng Công ty tập trung tái cơ cấu một số nội dung: Tái cơ cấu quản trị hiện đại phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và Tổng Công ty; cơ cấu lại và sử dụng tài sản, nguồn tài chính đang có một cách hiệu quả hơn, phù hợp hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn; sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với bố trí lại, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Tổng Công ty Đường sắt để tiến hành tái cơ cấu các nội dung nói trên, làm mới các động lực cũ, bổ sung thêm các động lực phát triển mới trong trong vận tải đường sắt; mở rộng, nâng cấp các nhà ga…
Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến 2025 theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; chỉ đạo, theo dõi, giám sát Tổng Công triển khai chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2024; triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty đến năm 2025.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách với lĩnh vực đường sắt, nhất là đường sắt tốc độ cao. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu việc quy định chính sách về quản lý đất đai đường sắt trong quá trình hoàn thiện pháp luật về đất đai. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ (cơ khí, chế tạo, luyện kim...) giúp phát triển đường sắt nói chung, đường sắt tốc độ cao nói riêng.
Với các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan xử lý, giải quyết với tinh thần vướng mắc đâu thì tháo gỡ ở đó, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.
Với tinh thần trách nhiệm cao, với khí thế và niềm tin mạnh mẽ về bề dày lịch sử và truyền thống hào hùng của ngành đường sắt, kết quả đạt được của năm 2023 và các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo và tập thể người lao động Tổng Công ty Đường sắt đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt thành tích năm 2024 cao hơn năm 2023./.