Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương Trường Nguyễn Đình Chiểu đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình mà đầu tiên là bằng trách nhiệm, tình yêu thương sâu sắc, niềm tin vào tiềm năng con người, Nhà trường đã xây dựng một môi trường hòa nhập, rất thân thiện và nhân văn, để những học sinh khiếm thị hay bình thường sống cùng nhau, vui chơi, kết bạn với nhau. Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của môi trường giáo dục này khi nước ta có nhiều người khiếm thị (hơn 2 triệu người). Đây là một lực lượng, nguồn nhân lực góp phần xây dựng, phát triển đất nước khi chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, nền kinh tế tri thức.
“Tôi rất xúc động và tự hào khi đọc trên báo câu chuyện về tấm gương của những thầy, cô trường Nguyễn Đình Chiểu. Đó là cô Nguyễn Thúy Ngà, cô Trương Thúy Hằng… Tôi đặc biệt xúc động khi đọc câu chuyện về thầy Phạm Đình Thắng, người thầy mù luôn tận tụy vì nghề, với từng cá nhân em học sinh khiếm thị. Dù không có Kiều Nguyệt Nga bên cạnh nhưng thầy Phạm Đình Thắng chính là Lục Vân Tiên của thời nay”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Thủ tướng, các thầy, các cô trong Ban Giám hiệu Nhà trường, các thầy, cô dạy trực tiếp và cán bộ công nhân viên ở đây đã thực sự như người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh. Thủ tướng cho rằng, đổi mới, chấn hưng giáo dục thì phải từ cơ sở, từ các thầy, cô giáo là nhân tố quan trọng nhất. Chúng ta dạy học, đặc biệt là ở bậc phổ thông thì không chỉ dạy kiến thức khoa học cơ bản trong sách giáo khoa mà cả kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, hòa nhập cho học sinh, được trải nghiệm sáng tạo để phát huy mọi tiềm năng cá nhân.
Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa Nhà trường và xã hội cũng là một yếu tố thành công của giáo dục đào tạo, đặc biệt là các cấp học phổ thông. Trường Nguyễn Đình Chiểu cần làm tốt hơn nữa việc đưa xã hội đến với Nhà trường, kết nối với cộng đồng và doanh nghiệp, đưa các em học sinh hòa nhập với các hoạt động văn hóa, xã hội ngay chính tại ngôi trường thân yêu của mình.
Thủ tướng đánh giá cao các sáng kiến của Trường như Dự án Ngôi nhà nghệ thuật do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tài trợ.
Thủ tướng cũng đề nghị Trường Nguyễn Đình Chiểu xây dựng một trang web làm cầu nối tốt hơn nữa giữa Nhà trường và xã hội. “Cá nhân Thủ tướng sẽ trực tiếp cập nhật thông tin về các hoạt động của Trường Nguyễn Đình Chiểu qua trang web này”, Thủ tướng khẳng định.
Học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu quàng khăn quàng đỏ cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Các cháu học sinh thân thương. Người bình thường học thành tài đã khó, người khuyết tật càng khó khăn. Chính vì vậy, người bình thường và cả người khiếm thị không bao giờ chịu đầu hàng số phận. Các cháu phải luôn ý thức bên cạnh mình có những người thầy, người cô luôn tin tưởng vào các cháu, có những người bạn học luôn chia sẻ, đồng hành”, Thủ tướng nhắn nhủ và mong muốn học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu không tự ti, mặc cảm, hòa đồng với tập thể, môi trường xã hội mà mình đang sống. Học sinh phải thương yêu, đoàn kết, không phân biệt đối xử giữa học sinh bình thường với học sinh khiếm thị, học sinh giữa các vùng, miền, địa phương; phải lễ phép với gia đình, cha mẹ, ông bà, thầy cô. Thủ tướng mong muốn từ ngôi trường này, sẽ có thêm những người thành công trong cuộc sống như nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Đại sứ âm nhạc từng biểu diễn tại Hội nghị APEC 2006 tại Hà Nội, từng lưu diễn tại nhiều nước châu Âu; như Đào Thu Hương, nữ thủ khoa Đại học Sư phạm; Hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Văn…
Thủ tướng nhấn mạnh mặc dù đất nước còn khó khăn, Đảng, Nhà nước sẽ ngày càng quan tâm nhiều hơn cũng như tin tưởng các em học sinh này sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng cảm ơn các nhà tài trợ, nhà hảo tâm đã luôn sát cánh, chia sẻ, động viên về cả vật chất và tinh thần, góp phần thúc đẩy sứ mệnh cao quý của Trường Nguyễn Đình Chiểu cũng như hoạt động của người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng trong cả nước.
Thủ tướng cũng cho biết, tại Lễ khai giảng hôm nay, Tập đoàn Viettel đã hỗ trợ Nhà trường 10 máy giặt, 24 máy tính; Tập đoàn TH True Milk cung cấp cho các học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu mỗi ngày một ly sữa trong suốt năm học này.
Đại diện học sinh lớp dạy kỹ năng nghề cho trẻ khuyết tật, Trường Nguyễn Đình Chiểu, tặng quà cho Thủ tướng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Nhiều đồng chí cán bộ, nhân viên Nhà trường cũng đã tận tụy, âm thầm chăm lo từng bữa cơm nóng sốt, từng chiếc áo ấm cho các con học sinh nội trú và bán trú đã được các bậc cha mẹ học sinh cảm kích và khen ngợi”, cô Nga cho biết.
Thủ tướng thăm phòng học tin học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trong ngày tựu trường hôm nay, cô Nga cam kết Nhà trường sẽ thực hiện thật tốt nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ GD&ĐT với “nhiều sáng tạo, đổi mới, tận tâm, tận lực vì sự nghiệp trồng người để chung tay xây dựng một Nhà trường thân thiện, nhân văn, để nơi đây không có một học sinh nào bị lãng quên, để nơi đây thực sự là tổ ấm cho mỗi em học sinh thân yêu của chúng ta”.
Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu được thành lập năm 1982 với sứ mệnh “nuôi dạy trẻ em khiếm thị của thành phố Hà Nội để các em có thể hòa nhập cộng đồng, sống tự lập và có đóng góp cho xã hội”. Từ năm 1988 đến nay, Trường thực hiện mô hình dạy hòa nhập trẻ khiếm thị và trẻ không khuyết tật. Hiện trường có hơn 200 trẻ khiếm thị học cùng 1.500 trẻ không khuyết tật.
Đức Tuân