Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 13. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Các nước nhất trí tiếp tục củng cố EAS là cơ chế hàng đầu đối thoại về các vấn đề chiến lược ở khu vực, trong một cấu trúc rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, với ASEAN ở vị trí trung tâm; bày tỏ ủng hộ tăng cường EAS để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu mới và nhất trí thông qua 5 Tuyên bố Cấp cao Đông Á về Chống rác thải nhựa trên biển; về các Thành phố Thông minh ASEAN; về tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh về công nghệ thông tin liên lạc và kinh tế số; về chống lại mối đe dọa của các đối tượng khủng bố nước ngoài và trở về; về an ninh hạt nhân.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh EAS có tiềm năng hợp tác rộng lớn và mang sứ mệnh bao trùm là thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á. Theo đó, EAS cần tiếp tục duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin, tích cực hỗ trợ các nỗ lực tập thể trong đề cao luật pháp quốc tế, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, kiềm chế các hành động đơn phương và ủng hộ giải quyết hòa bình các khác biệt. Để ủng hộ hệ thống thương mại quốc tế công bằng và cùng có lợi, các nước thành viên EAS cần tăng cường kết nối, cả về hệ thống pháp chế, hạ tầng vật chất, lẫn kết nối số.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng nêu rõ môi trường ổn định, hoà bình bền vững có ý nghĩa tiên quyết với hợp tác phát triển. Phấn đấu vì mục tiêu này là trách nhiệm chung của các nước, trong đó có các nước tham gia EAS.
Tại Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN luôn đề cao kiềm chế, tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin, không quân sự hoá, tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết mọi tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982.
Đức Tuân