Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về truyền thống văn hóa – lịch sử của Nhật Bản nói chung và Hiroshima nói riêng. Ông cho rằng Hiroshima là một biểu tượng của tinh thần chống chiến tranh, yêu chuộng hòa bình; bày tỏ chia sẻ với những mất mát của Hiroshima trong chiến tranh với hậu quả kéo dài, đồng thời bày tỏ khâm phục sự vươn lên mạnh mẽ của vùng đất này sau chiến tranh.
Thủ tướng mong muốn các hội hữu nghị của Hiroshima tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam với Nhật Bản nói chung và với Hiroshima nói riêng ngày càng bền chặt, hiệu quả, đơm hoa kết trái nhiều hơn trong tương lai; kêu gọi các doanh nghiệp Hiroshima đầu tư, kinh doanh nhiều hơn tại Việt Nam; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, kết nối văn hóa giữa hai nước; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại vùng Trung Nam Nhật Bản (khoảng 50.000 người) sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi, phát huy vai trò cầu nối quan trọng giữa hai nước.
Ông Akagi Tatsuo, Phó Chủ tịch Hội Hòa bình Hữu nghị Hiroshima – Việt Nam đã thông báo về các hoạt động của các hội hữu nghị, đây là nét đặc sắc của tỉnh Hiroshima trong đóng góp vào quan hệ hai nước. Ông cho rằng tại khu vực châu Á, Việt Nam là đối tác gần gũi, thân mật nhất của Nhật Bản.
Nhắc lại vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima trong những ngày cuối của chiến tranh thế giới thứ hai, ông cho rằng Hiroshima và Việt Nam có điểm tương đồng là đều chịu sự tàn phá và hậu quả nặng nề của chiến tranh. Ông khẳng định các hội hữu nghị sẽ tích cực triển khai các hoạt động theo định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng, tiếp tục đóng góp cho quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Trong chương trình Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, lãnh đạo các nước tham dự sẽ tới thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Điều này có ý nghĩa đặc biệt, khi đây là nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người.
Đây là lần đầu tiên thành phố bị ném bom nguyên tử đăng cai sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của G7. Trước thềm hội nghị, 80% nạn nhân sống sót sau hai vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945 đã ủng hộ ý tưởng chọn Hiroshima là nơi tổ chức hội nghị.
Hà Văn